Thứ Sáu | 20/12/2013 13:14

Ngành điện “đói vốn”

Khó khăn trong việc thu xếp vốn khiến nhiều dự án điện trong quy hoạch điện 7 có nguy cơ không kịp tiến độ.

Không thu xếp được vốn khiến nhiều dự án điện không vào kịp tiến độ quy hoạch điện 7 - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng

Tại hội thảo về vốn cho ngành điện do Hiệp hội Năng lượng tổ chức mới đây, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội, cho hay nhu cầu vốn cho ngành điện giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 48,8 tỉ USD, tức khoảng 4,9 tỉ USD/năm. Còn theo quy hoạch điện 7, chỉ riêng nhà máy nhiệt điện than đã phải xây dựng 54 nhà máy, chưa tính các nhà máy nhiệt điện chạy khí, thủy điện tích năng, điện hạt nhân… Nhưng việc triển khai các dự án đến nay vẫn rất chậm, mà chủ yếu do tình trạng thiếu vốn trầm trọng trong từng dự án, thậm chí một số dự án chưa rõ nguồn vốn.

Theo ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN), riêng nhu cầu vốn của EVN giai đoạn 2011 - 2015 là hơn 500 nghìn tỉ đồng (bình quân trên 100 nghìn tỉ đồng/năm). Theo tính toán, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu của EVN dự kiến khoảng 750 nghìn tỉ đồng/năm (bình quân 150 nghìn tỉ đồng/năm), trong đó khoảng 500 nghìn tỉ đồng đang đàm phán thỏa thuận với một số tổ chức tín dụng để vay vốn, còn lại khoảng 250 nghìn tỉ đồng vẫn phải tiếp tục tìm kiếm đối tác. Tuy nhiên, áp lực nợ với EVN đến nay cũng rất lớn, khi hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng, tron khi vốn vay nước ngoài cũng rất khó khăn do các chỉ số tài chính không đáp ứng được yêu cầu của nhà tài trợ.

Ông Cát Dương Quang, Vụ Tín dụng, Ngân hàng nhà nước, cho hay dư nợ của các tổ chức tín dụng với EVN tính đến tháng 10.2013 đã là 144 nghìn tỉ đồng, cũng là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một TĐ, TCT nhà nước. Khó vay vốn, nhưng vốn tự có của EVN và các đơn vị thành viên mới chỉ thu xếp được từ 20 - 30% mức đầu tư cho các dự án, còn lại vẫn phụ thuộc vào vốn vay.

Theo ông Quang, có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại không mấy “mặn mà” cho vay vốn với các dự án điện. Cụ thể, vốn đầu tư cho dự án điện lớn, thời gian thu hồi vốn dài khiến ngành điện không hấp dẫn được các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc cho vay với các dự án điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ gần đây bộc lộ nhiều rủi ro, gây tổn thất cho các tổ chức tín dụng. Mặt khác, dù Chính phủ đã có nhiều cải cách về chính sách giá điện, nhưng chưa thực sự hấp dẫn được, chưa kể tỷ suất lợi nhuận thấp dẫn đến khả năng trả nợ gốc và lãi không cao.

Không chỉ EVN, rất nhiều nhà đầu tư trong nước đầu tư ngành điện cũng đang gặp khó khăn trong thu xếp vốn. Theo PGS. TS Nguyễn Minh Duệ, Ủy viên thường trực BCH Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng, việc tăng các dự án nhiệt điện BOT nước ngoài là biện pháp giảm bớt gánh nặng về nhu cầu vốn, nhưng thực tế các dự án này triển khai chậm, do Việt Nam chưa có khung giá mua điện công khai và thống nhất. Nhiều dự án mất nhiều năm đàm phán như BOT Phú Mỹ 2.2, Phú Mỹ 3, gây trở ngại cho thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp tư nhân và cổ phần nguồn vốn tự có rất hạn chế, vay vốn nước ngoài lại đòi hỏi phải có bảo lãnh Chính phủ, nên việc thu xếp vốn đầu tư bị kéo dài…

Theo ông Duệ, để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển điện có hai giải pháp chủ yếu là tăng giá điện và vay vốn. Nhưng tính khả thi của tăng doanh thu trên cơ sở tăng giá điện sẽ khó khăn vì gây sức ép lên sức chịu đựng của doanh nghiệp, người dân cũng như lạm phát, trong khi vay vốn, đặc biệt là vay vốn nước ngoài cũng rất khó.

Nguồn Thanh Niên


Sự kiện