Hình ảnh du khách nước ngoài tại Việt Nam. Ảnh: Quý Hòa.

 
Việt Hà Thứ Tư | 20/07/2022 10:19

Ngành dịch vụ Việt Nam đang "tăng tốc"

6 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 11% so với cùng kỳ.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2022 đạt quy mô 2.717 nghìn tỉ đồng và tăng trưởng với tốc độ 11,7%, tăng cao hơn so với cùng kỳ trong vòng 5 năm trở lại đây, tăng 14,4% so với 6 tháng đầu năm 2019, năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. 

Trong đó, hoạt động du lịch trở thành điểm nhấn của ngành dịch vụ. Vận tải hành khách và hàng hóa trong tháng 6/2022 phục hồi mạnh mẽ do dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại và đi du lịch của người dân tăng cao. Vận chuyển hành khách tháng 6/2022 tăng 80,1% và luân chuyển tăng 125,8% so với cùng kỳ năm trước; vận tải hàng hóa tăng 29% về vận chuyển và tăng 36,3% về luân chuyển. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển hành khách tăng 15,2%; vận chuyển hàng hóa tăng 8,6% và luân chuyển hàng hóa tăng 16%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 6 tăng 36,8% so với tháng trước và gấp 32,9 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 602 nghìn lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán VNDirect, ngành dịch vụ sẽ tăng tốc trong 6 tháng cuối năm 2022. Với việc Việt Nam mở cửa trở lại ngành du lịch từ giữa tháng 3/2022, nhu cầu liên quan đến dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch và giải trí đang trên đà phục hồi mạnh mẽ. Vì vậy, VNDirect đánh giá cao các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, lưu trú - ăn uống, lữ hành và giải trí trong nửa cuối năm 2022.

“Chúng tôi kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức nền thấp trong 6 tháng cuối năm 2021 nhờ các yếu tố sau: tầng lớp trung lưu - những người ít bị tác động bởi áp lực lạm phát ngày càng tăng; sự trở lại của ngành du lịch cả ở trong nước và ngoài nước, và thuế VAT giảm xuống 8% so với mức 10% trước đó. Do đó, chúng tôi kỳ vọng GDP của lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng 8,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2022”, VNDirect nhận định. 

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng đánh giá thêm rằng sự phục hồi sẽ không đồng đều giữa các nhóm ngành. Bên cạnh những nhóm ngành được hưởng lợi khi mở cửa lại du lịch thì nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu và bán lẻ có triển vọng kém tích cực hơn một chút do tác động của áp lực lạm phát gia tăng trong những tháng tới.

Có thể bạn quan tâm 

Mở cửa quốc tế, giải cứu ngành du lịch