Ảnh: Kinhtedothi

 
Hà Linh Thứ Tư | 12/06/2019 17:28

Ngành dệt may Việt Nam: Hưởng lợi kép nhưng vẫn tồn tại nhiều nghịch lý

Được hưởng nhiều ưu đãi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các FTAs, xuất khẩu dệt may đang tăng trưởng 2 con số.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2019 xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước.

Hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ chiếm 46,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 4,42 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ, tiếp đến là Nhật Bản đạt 1,16 tỷ USD.

Tại thị trường Canada, hàng dệt may xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt 280,06 triệu USD, chiếm 2% trong tổng kim ngạch, nhưng tăng trưởng tới 22,3% so với cùng kỳ. Bộ công thương cho biết, từ ngày 8/3/2019 đã có trên 400 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được cấp cho hàng xuất khẩu sang thị trường Canada, đáng lưu ý là trong đó phần lớn là hàng dệt may bởi đây là mặt hàng được giảm thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada - cho biết. Hiện nay Dệt may đang được quan tâm tại thị trường Canada. Thêm vào đó, mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada.

Nganh det may Viet Nam: Huong loi kep nhung van ton tai nhieu nghich ly
Xuất khẩu dệt may vào các nước CPTPP tăng trưởng vượt bậc. Ảnh: Laodong

Số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu sang Canada đã tăng trên 70%, Mexico trên 8%. Đây là những nước Việt Nam không có hiệp định thương mại tự do trước đó. "Điều này cho thấy CPTPP đã bắt đầu có tác dụng”, Phó thủ tướng nói tại phiên chất vấn cho biết.

Hưởng lợi từ thương chiến Mỹ-Trung

Nhận định từ Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho biết, ngành dệt may đang hưởng lợi từ làn sóng hội nhập thương mại.

Theo đó, ngành dệt may Việt Nam đã tăng trưởng nhanh nhất thế giới với triển vọng tích cực. Giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng 13,1% trong giai đoạn 2008-2017, vượt xa mức trung bình toàn cầu 4,9%.  

Thị trường xuất khẩu đa dạng giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ và bảo đảm triển vọng tích cực cho ngành dệt may trong bối cảnh thị trường may mặc của Mỹ bão hòa. Hiện xuất khẩu sang Mỹ chiếm 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Theo VNDIRECT, việc chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam có thể mang lại lượng đơn hàng dệt may lớn và giúp Việt Nam gia tăng thị phần tại Mỹ. "Năng lực sản xuất của Việt Nam đang cải thiện. Các chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam đang được hoàn thiện nhờ dòng vốn FDI chảy vào liên tục, tập trung vào sản xuất thượng nguồn (sợi và vải). Các doanh nghiệp may mặc chuyển hướng sang phương thức sản xuất tiên tiến như mua nguyên liệu bán thành phẩm (FOB) và sản xuất thiết kế gốc (ODM) giúp cải thiện biên lợi nhuận" – nhóm phân tích của công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội cho hay.

Nghịch lý nguồn nguyên liệu dệt may

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da, giày của Việt Nam trong tháng 5/2019 đạt 602,5 triệu USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày của cả nước đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Trung Quốc luôn là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày cho Việt Nam, đạt gần 984 triệu USD trong 5 tháng đầu năm nay, chiếm 39,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nganh det may Viet Nam: Huong loi kep nhung van ton tai nhieu nghich ly
70% vải cho ngành may mặc tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ảnh: Baodauthau

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, sản phẩm xuất xứ Việt Nam hiện nay chủ yếu là đồ may mặc và đó chỉ là “cái ngọn”, còn cái gốc là vải thì chúng ta không có. 70% lượng vải để sản xuất đồ may mặc phải nhập khẩu từ Trung Quốc; còn từ các nước như Nhật Bản, Malaysia (trong nội khối CPTPP) rất ít.

►Xuất khẩu dệt may sang Mỹ tăng kỷ lục

►Dệt may đua lên sàn chứng khoán

►Phụ thuộc nguyên liệu của Trung Quốc, Dệt may Việt khó hưởng lợi từ FTAs

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho biết, 99% hàng phụ trợ của ngành may mặc chính là vải, nhưng hiện nay "chúng ta mới chỉ dừng ở khâu sản xuất sợi nên tỷ lệ lớn vải phải nhập khẩu về để may mặc".

Để đáp ứng mục tiêu xuất khẩu năm 2019, ngành may cần 10 tỷ mét vải. Hiện chúng ta đang làm ra khoảng 2 triệu tấn sợi/năm. Số sợi này đủ cho sản xuất 10 tỷ mét vải. Nhưng tréo ngoe ở chỗ, 2/3 lượng sợi là để xuất đi, chỉ còn 1/3 để lại Việt Nam làm vải, ông Tuấn nhấn mạnh.

Từ nay đến 2020, cần thêm 1,7 tỷ mét vải phục vụ sản xuất. Do đó, nếu không có vải, một loạt FTA thế hệ mới đã ký kết, với điều kiện xuất xứ từ vải trở đi sẽ bị giảm giá trị đi rất nhiều.