Ngành dệt may “đón lõng” thị trường
Để đạt mục tiêu XK tăng 12% trong năm 2014 cộng với việc thị trường sẽ được mở rộng khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, DN dệt may cần có sự chuẩn bị để liên kết.
Mục tiêu tăng trưởng 12%
Số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tổng kim ngạch XK dệt may năm 2013 đạt 20,023 tỷ USD, với tốc độ tăng 18%, trong đó hai mặt hàng chính của ngành đều đạt được mức tăng trưởng khá (mặt hàng dệt và may mặc đạt 17,891 tỷ USD, tăng 18,6%; mặt hàng xơ sợi dệt các loại đạt 2,132 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ). Với 14,885 tỷ USD giá trị NK cho sản xuất, năm 2013 ngành dệt may Việt Nam đã xuất siêu 5,138 tỷ USD.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Vitas, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) khẳng định: Một trong những giải pháp cơ bản tạo nên kết quả của ngành dệt may năm 2013 là đã xác định đúng tính chất tín hiệu của thị trường.
Theo lý giải của vị lãnh đạo này, dự báo tốt thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất và chuẩn bị "đón lõng" thị trường. Bởi 2 năm trước (2011-2012), thị trường dệt may toàn thế giới tương đối trầm lắng nhưng bước sang năm 2013 được dự báo thị trường dệt may toàn cầu tăng trưởng khoảng 3,5%. "Bắt sóng" những tín hiệu về hợp tác quốc tế, tín hiệu về dịch chuyển dòng chảy của chuỗi cung ứng toàn cầu về phía Việt Nam, ngành dệt may đã chuẩn bị tổ chức sản xuất phù hợp để tận dụng cơ hội. XK của ngành dệt may Việt Nam không chỉ tăng về tổng thể mà còn tăng mạnh tại các thị trường trọng điểm. Cụ thể, đối với thị trường Mỹ, năm 2013 XK hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ tăng gần 13% trong khi NK của Mỹ chỉ tăng gần 3%, Nhật Bản NK gần như không tăng thì chúng ta XK tăng khoảng 13% và Hàn Quốc duy trì được tốc độ tăng trưởng XK gần 30%.
Bước sang năm 2014, theo dự báo về kinh tế năm 2014 của các tổ chức lớn, uy tín trên thế giới như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, tổng thể kinh tế thế giới sẽ sáng hơn và có thể đạt mức tăng trưởng 3,6%. Thị trường Mỹ cũng được dự báo mức tăng trưởng GDP sẽ cao hơn; EU sẽ thoát khỏi suy thoái âm và hy vọng sẽ có sự tăng trưởng dương; Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng của năm nay. "Như vậy, kể cả khi chúng ta chưa có những thỏa thuận thương mại mới với những điều kiện thuận lợi cho ngành thì vẫn có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 12% kim ngạch XK cho năm 2014", ông Trường nhìn nhận.
Tăng thị phần ở châu Âu
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Trường, ngành dệt may vẫn phải bám vào 4 yếu tố: Chất lượng, giá cả, tốc độ cung ứng cho thị trường và khả năng giải quyết các vấn đề dịch vụ sau bán hàng. Đây luôn là những thước đo mà người mua hàng đo lường người sản xuất. Đặc biệt, việc mở rộng và phát triển thị trường là một trong vấn đề không thể xem nhẹ.
Hiện Việt Nam đang tham gia đàm phán TPP - một hiệp định quan trọng với ngành dệt may bởi 60% tỷ trọng XK của ngành là XK vào các nước trong TPP, nhất là Mỹ và Nhật Bản. Khi TPP được ký kết sẽ tạo cơ hội mở rộng thị phần và tăng kim ngạch XK dệt may của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là thị trường Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, DN dệt may sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn: Cắt giảm thuế nhanh, mạnh trong giai đoạn đầu là một yếu tố kích thích quan trọng để nhà đầu tư đổ dồn về Việt Nam; quy tắc xuất xứ phải là rào cản lớn trong việc thực thi hiệp định; thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các DN Việt Nam. Bởi vậy, ông Trường khuyến cáo, DN dệt may cần có sự chuẩn bị để liên kết được với các khâu trong chuỗi cung ứng, tránh bị động khi đã ký kết mà lại không tận dụng được các điều kiện thuận lợi với các thuế quan ưu đãi khi thỏa mãn các điều kiện của TPP. Ngoài ra, các DN phải hình thành chuỗi cung ứng chặt chẽ, có cam kết, có cộng đồng trách nhiệm để xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn chuỗi với mục tiêu biến TPP thành "cú hích" quan trọng cho dệt may Việt Nam tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh thị trường Mỹ và Nhật Bản, Vitas cũng xác định, thị trường châu Âu cũng còn rất nhiều cơ hội để tăng thị phần cho ngành dệt may. Với hơn 250 tỷ USD kim ngạch NK vào EU/năm, hiện thị phần của Việt Nam mới chỉ chiếm 1% (2,4-2,5 tỷ USD), trong khi ở Mỹ là 8%, Nhật là 4-5%. "Phát triển thị trường châu Âu, đẩy mạnh thị phần ở đó là mục tiêu trong những năm tới của ngành dệt may", ông Trường nói. Ngoài 4 thị trường đạt trên 1 tỷ USD là Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, hiện ngành dệt may cũng rất quan tâm đến 2 thị trường lớn là Ấn Độ và Trung Đông. Năm 2013, XK hàng dệt may Việt Nam vào Ấn Độ cũng tăng trưởng rất tốt. Dù kim ngạch XK vào thị trường này còn khiêm tốn nhưng hứa hẹn đầy tiềm năng và vị đại diện của Vitas cho rằng đây là điều thú vị khi chúng ta XK được vào chính một quốc gia là cường quốc về XK dệt may.
Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp