Thứ Sáu | 30/11/2012 15:12

Ngành công nghiệp ô tô, xe máy đóng góp khoảng 3 - 5% GDP

Trong khi đó, các khoản thuế cao từ việc lắp ráp và nhập khẩu ô tô, xe máy cũng tạo ra các khoản thu lớn cho Chính phủ Việt Nam.
Đánh giá một cách tổng quan về ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam, nhóm công tác Công nghiệp Ô tô, Xe máy - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đưa ra những quan ngại và đề xuất những giải pháp trong báo cáo của mình.

Công nghiệp ô tô, xe máy đóng góp 3 - 5% GDP
Ngành công nghiệp ô tô, xe máy là mô hình kinh doanh đa tầng gồm nhà cung cấp, nhà sản xuất, và các đại lý phân phối. Chuỗi kinh doanh này đóng góp đáng kể vào GDP của một quốc gia. Các ước tính khác nhau cho biết đóng góp này tại Việt Nam nằm trong khoảng từ 3%-5%.

“Mức đóng góp này là nhỏ khi so sánh với mức đóng góp 10% của các nước láng giềng như Thái Lan nơi ngành công nghiệp ô tô, xe máy có chiến lược phù hợp với thương mại và tăng trưởng xuất khẩu”, nhóm công tác nhận xét.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), hiện tại có hơn 60.000 lao động làm việc trong các nhà máy, công ty thành viên VAMA. Nếu tính cả số lượng nhân công làm việc cho các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM), cùng các doanh nghiệp sản xuất phương tiện giao thông 2 bánh, các nhà cung cấp thiết bị lắp ráp cùng các đại lý phân phối, số lượng người làm việc trong ngành ước tính khoảng 125.000 người.

Ngoài ra, nếu tính thêm số người phụ thuộc của các lao động trong ngành, số người mà cuộc sống hưởng lợi gián tiếp từ công nghiệp ô tô, xe máy khoảng 500.000 người.

Các khoản thuế cao từ việc lắp ráp và nhập khẩu ô tô, xe máy tạo ra các khoản thu lớn cho Chính phủ Việt Nam. Các xe lắp ráp trong nước (CKD) chịu thuế xuất trung bình khoảng 20%, trong khi các xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) chịu 68%-78% thuế nhập khẩu, 45%-60% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% VAT và 10%-20% lệ phí trước bạ.

Từ tháng 1 đến tháng 8/2011, đã có khoảng 27.100 CBU được nhập khẩu và 40.229 CKD được lắp ráp lần lượt tạo ra khoảng 670 triệu USD và 654 triệu USD tiền thuế. Còn trong 8 tháng đầu năm 2012, khoảng 9.509 CBU nhập khẩu và 21.030 CKD lắp ráp tại Việt Nam đóng khoảng 184 triệu USD và 273 triệu USD tiền thuế cho Chính phủ, thấp hơn 55% về khối lượng tiêu thụ và 65% về tổng đóng góp thuế.

“Như vậy, sự sụt giảm trong khối lượng tiêu thụ cũng như sản xuất khiến cho mức đóng góp thuế của ngành thấp hơn 867 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái”, nhóm công tác đánh giá.

Nhiều năm qua, ngành công nghiệp ô tô, xe máy đã liên tục đưa vào Việt Nam các công nghệ lắp ráp và chế tạo mới nhất trong toàn bộ chuỗi cung ứng, đồng thời tập huấn và nâng cao kỹ năng và bồi dưỡng kiến thức mới cho lực lượng lao động thông qua việc gửi nhiều chuyên gia quốc tế vào Việt Nam cũng như cử các cán bộ Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài; từ đó, giúp Việt Nam tích lũy thêm được công nghệ, kỹ năng và tri thức.
Đề nghị bổ sung vào khái niệm "công nghệ cao"

Hiện tại, ngành công nghiệp ô tô, xe máy không phải là đối tượng của bất kỳ chính sách khuyến khích đầu tư nào theo như định hướng phát triển nền công nghiệp “công nghệ cao”. Vì vậy, Nhóm công tác đề nghị bổ sung ngành công nghiệp ô tô, xe máy vào khái niệm “công nghệ cao”, đồng thời nhận được các cơ chế khuyến khích phát triển tương đương khác.

Nhóm cũng kiến nghị cần có một lộ trình cho các loại/mức thuế và chính sách khác nhau trong ngành ô tô, xe máy đến năm 2025 sẽ có lợi cho ngành công nghiệp, các khách hàng và quốc gia nói chung. Sự ổn định về thuế và các chính sách lâu dài sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư và kích thích tăng trưởng trong ngành. Ngoài ra, việc tham khảo lấy ý kiến của các Hiệp hội, Nhóm công tác trong ngành sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện các chính sách của Chính phủ hơn.

Hủy bỏ thuế nhập khẩu đối với tiền bản quyền và các khoản thanh toán cho việc sử dụng các tài sản vô hình khác như trong các hợp đồng tương tự và được chấp nhận là các khoản chi phí không chịu thuế tại các nước WTO khác.

Một vấn đề khác là việc áp dụng hệ thống phân loại tài chính của Việt Nam tạo ra các vấn đề về từ ngữ trong việc xác định sản phẩm trước khi phân loại và việc áp thuế sau đó. Việt Nam nên sử dụng hệ thống đánh số, phân loại và mã hóa hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới hoặc công bố các biểu tương ứng chính thức với Hệ thống HS (HS code) hiện có, thay vì để cán bộ Hải quan địa phương quyết định việc phân loại bằng ngôn ngữ tiếng Việt.

Ngoài ra, để được hưởng lợi từ quan hệ thương mại nội ngành (intra-industry trade), Việt Nam cần phải cho phép các nhà lắp ráp CKD và các nhà nhập khẩu chính thức (cả Việt Nam và các công ty nước ngoài) được sử dụng các kho ngoại quan. Đồng thời, các hàng hóa của công nghiệp ô tô, xe máy như xe ô tô, phụ tùng, công cụ mà nhập khẩu vào Việt Nam chỉ để tái xuất sẽ được miễn thuế. Việc này, tuy nhiên, vẫn sẽ tạo ra doanh thu và ngoại tệ cho Chính phủ.

Đặc biệt, để tăng tỷ lệ nội địa hóa, Việt Nam cần cho phép các nhà sản xuất chi tiết ô tô, xe máy có chất lượng hoạt động trong các khu chế xuất và cho phép họ bán một phần sản lượng ở Việt Nam. “Cho họ hưởng các quyền xuất khẩu tương tự như đối với các Nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) nổi tiếng thế giới tại Việt Nam sẽ làm lợi cho ngành công nghiệp trong nước”, nhóm công tác nhấn mạnh.

Nguồn Khampha/FIA


Sự kiện