Giá heo đã trải qua chu kỳ tăng giá rất mạnh từ giữa năm 2019-2020 do dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Ảnh: TL

 
Nhật Anh Chủ Nhật | 31/07/2022 21:40

Ngành chăn nuôi đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất

Ngành chăn nuôi đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất khi giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi tăng rất mạnh.

Kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, chỉ số giá lương thực toàn cầu đã không ngừng tăng cao do sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Mặc dù vậy, chỉ số giá lương thực đã có xu hướng hạ nhiệt khi giảm 2,3% trong tháng 6, đạt trung bình 154,2 điểm do giá ngũ cốc giảm 4,1%, giá lúa mì giảm 5,7% so với tháng 5. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2021, mức giá hàng hóa vẫn cao hơn 23,1%.

Theo Agriseco Research đánh giá, giá nông sản sẽ hạ nhiệt nhưng khó giảm mạnh từ giờ tới cuối năm do nhu cầu toàn cầu lớn, thời tiết bất lợi ở một số nước; chi phí sản xuất và vận chuyển cao; gián đoạn chuỗi cung ứng vì COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. 

Chỉ số giá lương thực đã có xu hướng hạ nhiệt khi giảm 2,3% trong tháng 6
Chỉ số giá lương thực đã có xu hướng hạ nhiệt khi giảm 2,3% trong tháng 6

Đối với sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, Agriseco Research đánh giá COVID-19 đã được kiểm soát và mọi hoạt động kinh tế đang dần trở về trạng thái bình thường. Nhưng xung đột giữa Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều quốc gia đã có những biện pháp hạn chế hoặc cấm xuất khẩu các sản phẩm nông sản nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ví dụ Ấn Độ (cấm xuất khẩu lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường…) và Indonesia (dầu cọ).
Theo đó, Agriseco Research đánh giá giá nông sản sẽ hạ nhiệt nhưng khó giảm mạnh từ giờ tới cuối năm 2022. Có thể từ năm 2023, giá nhiều loại nông sản sẽ hạ nhiệt mạnh hơn do các chính sách hạn chế xuất khẩu dần hết hiệu lực. 

 

Giá heo đã trải qua chu kỳ tăng giá rất mạnh từ giữa năm 2019-2020 do dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Khi kiểm soát được dịch kèm theo tác động của làn sóng COVID-19, giá heo đã giảm mạnh cho tới cuối năm 2021. Từ đầu năm 2022 tới nay, trước tình trạng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh dẫn đến nhiều hộ nuôi heo phải chịu thua lỗ và cắt giảm tái đàn, điều này lại dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và giá heo đang bước vào chu kỳ tăng giá mới. Hiện nay giá heo hơi đang giao dịch ở mức từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Agriseco Research cho rằng giá heo có thể tiếp tục tăng từ giờ tới cuối năm 2022 do thiếu hụt nguồn cung bởi tỉ lệ tái đàn đầu năm thấp khi giá nguyên liệu tăng cao, nhiều hộ nông dân thua lỗ.

Giá lúa mỳ và ngô đều giảm mạnh từ tháng 5 tới nay, quay trở lại mức của năm 2021. Mới đây, Nga và Ukraine ký kết thỏa thuận nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc. Điều này có thể giúp thị trường nông sản tiếp tục hạ nhiệt khi đây là 2 quốc gia chiếm tỉ trọng lớn, đông góp khoảng 29% sản lượng xuất khẩu lúa mỳ và 19% sản lượng ngô toàn cầu.

“Ngành chăn nuôi đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong nửa đầu năm 2022 khi giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi như giá ngô, giá lúa mỳ tăng rất mạnh, trong khi giá đầu ra như giá heo thì lại không tăng đáng kể”, Agriseco Research nhận định.  Tuy nhiên kể từ tháng 6 trở lại đây, diễn biến này đã có sự đảo chiều khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sự hạ nhiệt với giá ngô và giá lúa mỳ bắt đầu giảm, ngược lại giá heo hơi đã tăng trở lại khi nhiều hộ nông dân treo chuồng trước tình cảnh thua lỗ đầu năm dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.

“Với nhận định rằng giá nông sản tiếp tục hạ nhiệt trong cuối năm 2022 khi tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng được kiểm soát, cùng với đó giá heo đầu ra có thể duy trì đà tăng khi nguồn cung thiếu hụt, nhóm ngành chăn nuôi kỳ vọng có sự cải thiện trong kết quả kinh doanh so với nửa đầu năm 2022”, Agriseco Research đánh giá. 

Có thể bạn quan tâm 

Ước tính EPS thị trường sẽ duy trì ở tăng trưởng cao