Ngành cao su Việt Nam gặp khó do giá xuống mức thấp kỷ lục
Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị Cao su toàn cầu 2015, do Hiệp hội Cao su Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Confexhub (Malaysia) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4/12.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam, ngành cao su Việt Nam và thế giới đang trong thời kỳ khó khăn. Tình hình kinh tế thế giới phục hồi yếu sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã làm nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên tăng chậm. Nguồn cung cao su thiên nhiên trong 3 năm gần đây đã làm lượng cao su tồn kho tăng cao, tạo áp lực đẩy giá sụt giảm liên tục.
Tại Việt Nam, diện tích trồng mới cao su đã giảm đáng kể và một số hộ cao su tiểu điền phải ngưng thu hoạch mủ vì giá bán thấp hơn giá thành. Trên thực tế, đã có hiện tượng chặt bỏ cao su để chuyển đổi sang cây trồng khác ở một số vùng cao su năng suất thấp.
Trong năm 2015, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam ước đạt 1,1 triệu tấn, tăng nhẹ về lượng (khoảng 3%), giá trị ước đạt 1,6 tỷ USD (giảm khoảng 10%). Cao su Việt Nam hiện đã có mặt trên 86 thị trường, trong đó thị trường chính vẫn là Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Hàn Quốc...
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng ngành cao su cần tập trung xem xét, tổ chức thực hiện chủ trương của Chính phủ và các bộ, ngành, xây dựng chiến lược phát triển dài hạn để tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Phân tích từ kết quả sản xuất năm 2014, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết Việt Nam xuất khẩu trên 85% cao su nguyên liệu, chỉ đạt 1,8 tỷ USD, song lại nhập khẩu sản phẩm cao su và cao su nhân tạo với giá trị lớn hơn.
Trong khi đó, tuy chỉ sử dụng khoảng 15% sản lượng để chế biến sản phẩm, Việt Nam lại xuất khẩu được hơn 1,5 tỷ USD sản phẩm cao su, có giá trị gần bằng với xuất khẩu 85% nguyên liệu.
Từ thực tế đó, ngành cao su Việt Nam cần điều chỉnh lại cơ cấu chủng loại sản phẩm theo hướng tăng cường cho công nghiệp chế biến và giảm xuất khẩu nguyên liệu thô.
Đồng thời, ngành cao su cần nghiên cứu để khai thác những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết song song với việc nghiên cứu sâu về nhu cầu nguyên liệu và sản phẩm cao su của thị trường thế giới và trong nước.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết hiệp hội sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước áp dụng các chính sách thuế và ưu đãi đầu tư để ngành cao su có điều kiện thông thoáng về sản xuất và xuất khẩu.
Hiệp hội cũng sẽ đưa ra các hướng dẫn để gỗ cao su được công nhận hợp pháp nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời đưa ra các giải pháp về kỹ thuật để nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm cao su trên thị trường thế giới.
Tiến sỹ Abdul Aziz Kadir, Tổng Thư ký Hiệp hội nghiên cứu và phát triển cao su quốc tế cho rằng từ thực tế của một số nước trồng cao su, ngành cao su Việt Nam có thể đẩy mạnh hướng sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực mang lại thu nhập cho người trồng như khai thác, chế biến, xuất khẩu gỗ cao su; tổ chức các tour du lịch sinh thái khám phá rừng cao su...
Nguồn Vietnam+