Ngành cao su Indonesia nỗ lực thiết lập giá sàn 1,5 USD/kg
Cao su SIR20 Indonesia hiện đang có giá 1,4 USD/kg, trong khi chi phí sản xuất là 1,6 USD/kg. Trước tình hình này, Rusdan Dalimunthe, giám đốc điều hành Hiệp hội Cao su Indonesia (Gapkindo) cho biết, Hiệp hội đã gửi thông báo đến tất cả hội viên để nghị không bán cao su thấp hơn 1,5 USD/kg.
Thông báo này cũng được gửi đến thành viên của Tập đoàn Cao su Quốc tế (IRCo), Singapore và Việt Nam, ông Dalimunthe cho biết và nói thêm rằng Thái Lan đã gửi thông báo tương tự đến các nhà sản xuất tại nước này. Các thành viên Gapkindo cũng được đề nghị giảm hoạt động bán cao su trong quý IV và từ chối bán cao su với giá dưới 2 USD/kg, Daud Husni Bastari, chủ tịch Hiệp hội cho biết.
Những nỗ lực hỗ trợ giá trước kia của Indonesia, Thái Lan và Malaysia có kết quả rất hạn chế do sự khác biệt về trình độ phát triển của ngành cao su tại các nước này. Các biện pháp được đưa ra bao gồm chặt hạ và tái canh cây cao su, giảm tốc độ khai thác và kiềm chế xuất khẩu. Ông Bastari cuối tuần trước cho biết, sản lượng cao su của Indonesia năm nay ước đạt 3,1 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với dự báo trước đó.
Lượng cao su tồn kho của Indonesia, xuất khẩu khoảng 85% sản lượng cao su, hiện rất thấp do cây cao su vào thời kỳ thay lá. Cao su được khai thác quanh năm nhưng sản lượng mủ giảm trong những tháng cây cao su rụng lá và thay lá mới. Thời kỳ cây cao su thay lá ở Indonesia kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5 trước khi bắt đầu cho khai thác lại vào tháng 7 và kéo dài đến tháng 9.
Trung Quốc chiếm khoảng 20% lượng cao su xuất khẩu của Indonesia và lo ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này và nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới đã tác động tiêu cực đến giá cao su trong những tháng gần đây. Ông Bastari cũng nhắc lại lời kêu gọi thành lập tổ chức đại diện cho các nước sản xuất cao su trong khối ASEAN – cung cấp 90% lượng cao su trên thế giới.
Nguồn Theo DVO/Reuters