Ngành cao su dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 4,36 tỷ USD năm nay
“2016 tiếp tục là một năm khó khăn của ngành cao su” là nhận định của ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về ngành cao su xuất khẩu. Theo ông Thuận, khi nền kinh tế thế giới phục hồi yếu, nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên tăng chậm, tồn kho cao su vẫn ở mức cao và gây áp lực giảm giá trong nhiều năm qua và vẫn có thể kéo dài sang vài năm tới. Giá dầu thô giảm mạnh làm cho giá cao su tổng hợp rẻ hơn cũng tăng thêm áp lực kéo giá cao su thiên nhiên giảm theo.
Việt Nam hiện vẫn giữ vị trí thứ hai về năng suất vườn cây, thứ ba về sản lượng, thứ tư về xuất khẩu cao su toàn cầu. Năm 2015, diện tích cao su nước ta là trên 981.000ha, sản lượng 1,017 triệu tấn và có triển vọng đạt trên 1,2 triệu tấn năm 2016.
Theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, sản lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của nước ta đến tháng 11/2016 đạt 1,448 tỉ USD. Gỗ cao su trở thành nguồn thu nhập bổ sung quan trọng cho người trồng cao su để tái canh, đặc biệt trong thời kì giá thấp, đem về cho ngành khoảng 1,2 tỉ USD. Toàn ngành cao su có khả năng đóng góp 4,36 tỉ USD và chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016.
Theo ông Thuận, khi sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu cao su trở nên gay gắt hơn, ngành cao su Việt Nam tuy có chất lượng tốt nhưng sản phẩm chưa đồng đều và không có thương hiệu chung cho ngành. Từ đó, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” được ra đời được xem là một trong những bước đi cần thiết để xây dựng thương hiệu chung cho cao su Việt Nam nhằm tạo được độ tin cậy cho đối tác nước ngoài khi nhập khẩu cao su Việt Nam.
Tại hội nghị, 6 doanh nghiệp đầu tiên được nhận chứng nhận “Cao su Việt Nam” là công ty cao su Phước Hòa, Đồng Nai, Hàng Gòn, Dầu Tiếng, Đăk Lăk và Phú Riềng.
My My