Ngành cao su đối mặt với nhiều thách thức trong giai đoạn tới
Đây là nhận định của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) tại Đại hội Hiệp hội Cao su Việt Nam lần thứ 4, tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh chiều 31/7.
Theo VRA, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới vẫn ở tình trạng cung vượt cầu, khoảng 300.000-500.000 tấn. Cao su nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn do giá sụt giảm mạnh với những biến động khó dự đoán liên quan đến giá dầu thô, bất ổn chính trị, tỷ giá...
Bên cạnh đó, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước để chế biến sản phẩm còn ít nên ngành cao su sẽ phải tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô khoảng 70% tổng sản lượng cả nước trong nhiều năm tới.
Nguyên nhân là do cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam chưa phù hợp với nhu cầu thế giới và ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước.
Điều này khá nghịch lý khi hàng năm các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các thành phẩm từ cao su phải nhập hàng nghìn triệu tấn cao su thiên nhiên để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, hiện nay, Việt Nam đã có các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nguyên liệu cao su thiên nhiên tương đương với các nước tiên tiến, nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các nhà máy sơ chế, chế biến cao su và nguyên liệu đầu vào nên việc kiểm soát chất lượng khó thực hiện đồng bộ.
Công nghiệp chế biến thành phẩm cao su còn gặp khó khăn trong cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu không được kiểm soát về giá cả.
Hiện vẫn còn thiếu hàng rào kỹ thuật trong thương mại để ngăn chặn hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu từ các nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa trong nước...
Trước những thách thức trên, lãnh đạo VRA cho biết sẽ đề nghị các doanh nghiệp sản xuất trong ngành tăng cường liên kết, phối hợp với các công ty chế biến, sử dụng cao su nguyên liệu; đồng thời, kiến nghị với Chính phủ và các bộ ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý chất lượng cao su để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRA cho biết, Hiệp hội cũng đang kiến nghị với Bộ Tài chính không thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng VAT đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su. Việc kê khai thuế này mặc dù sẽ được Nhà nước trả lại, tuy nhiên thời gian hoàn lại khá lâu, ảnh hưởng đến vốn kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
VRA cũng kiến nghị miễn tiền thuê đất khoảng 6-7 năm trong thời kỳ cây cao su ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, sau khi có thành phẩm doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng thuế như quy định...
Trong nhiệm kỳ 2012-2014, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nhưng ngành lại có những điểm sáng tích cực của lĩnh vực công nghiệp cao su. Giá trị của sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu đã phát triển tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21,3% mỗi năm.
Sản lượng cao su đang tiến gần mục tiêu 1,1 triệu tấn vào năm 2015 và đảm bảo xuất khẩu cao su thiên nhiên vượt mục tiêu 1,8 tỷ USD/năm. Trong khi diện tích cây cao su cũng được mở rộng thêm khoảng 176.000 ha và đạt tổng diện tích hơn 977.000ha.
Bế mạc Đại hội, đã có 29/143 hội viên được bầu vào danh sách ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Cao su Việt Nam. Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tái cử chức Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2017.
Nguồn Vietnam+