Chủ Nhật | 05/10/2014 08:57

Ngành bán lẻ Việt Nam “thua trên sân nhà” vì một cổ nhiều tròng

Luật áp dụng không công bằng, doanh nghiệp nước ngoài được ưu tiên nhiều mặt, cạnh tranh không công bằng, khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa tự thua trên sân nhà.
Đó là nhận định của TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TW tại buổi đối thoại về những vấn đề cấp bách cho thị trường bán lẻ Việt Nam vừa được tổ chức tại TP.HCM vào sáng 4/10.

TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh nước ngoài “thôn tính”. Các tập đoàn này đang xếp hàng chờ đầu tư vào thị trường Việt Nam nên trong thời gian tới, các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt để tồn tại.

“Luật áp dụng không công bằng, các doanh nghiệp ngoại luôn được ưu tiên mặt bằng, vị trí đẹp, trong khi các doanh nghiệp trong nước bị áp đặt đủ thứ luật thì doanh nghiệp nước ngoài không phải lo chuyện này, doanh nghiệp Việt quảng cáo phải có trần, không được quá trần quy định, trong khi doanh nghiệp ngoại lại được vượt trần. Từ đó, doanh nghiệp ngoại luôn tìm nhiều chiêu cạnh tranh không lành mạnh gây sức ép với các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt, doanh nghiệp nước ngoài có nguồn vốn khổng lồ, còn doanh nghiệp trong nước phải đi vay với lãi suất cao khiến việc tồn tại của nhiều doanh nghiệp hết sức khó khăn” - TS. Lê Đăng Doanh đánh giá.

Để thoát khỏi thực trạng trên, TS. Lê Đăng Doanh đã đưa ra giải pháp giúp giúp thị trường bán lẻ Việt Nam cụ thể: Các cơ quan nhà nước nên đối xử công bằng với doanh nghiệp Việt, bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần liên kết với nhau đầu tư vào các chuỗi bán lẻ để tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng động, cần phải dũng cảm, kiên cường, liên kết chặt chẽ mới có thể đứng vững trong thời điểm nhiều tập đoàn lớn nước ngoài chuyên về bán lẻ đang ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Đánh giá về hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thị trường bán lẻ trong thời gian qua, TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngày càng “teo tóp” lại, phần lớn các doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn về vốn, về công nghệ, trình độ hiểu biết…cho nên tác động càng mạnh và khó khăn càng chồng chất hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cố gắng vượt qua và đã phát triển, đặc biệt trong tình hình bắt đầu chuyển biến đây là dấu hiệu khả quan, các doanh nghiệp cần hòa chung vào xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới đề tộn tại.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng - PCT, Tổng thư kí Hội tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp đang lo đối ngoại nhưng chưa chú ý đến vấn đề đối nội. Không có sự liên kết tạo ra chuỗi sản phẩm mới, hấp dẫn thì khó giữ được thị trường bán lẻ và người tiêu dùng.

Đại diện các doanh nghiệp bán lẻ tại TP.HCM khẳng định, cái họ cần nhất là được đối xử công bằng. Dù có luật rõ ràng nhưng họ không được đối xử theo luật. Việc quá ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đẩy doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến bờ vực phá sản.

Nguồn Dân trí


Sự kiện