Thứ Ba | 02/09/2014 16:06

Ngành bán lẻ Việt Nam: Khi FDI gặp TPP

Điều gì sẽ đến khi thị trường bán lẻ Việt Nam trở thành sân chơi của doanh nghiệp FDI, trong khi TPP sẽ đẩy thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng về 0%?
Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam

Với 90 triệu dân, hơn 60% người tiêu dùng trẻ, Việt Nam được coi là thị trường mục tiêu cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ.

Ở Việt Nam có khoảng 700 siêu thị và trung tâm mua sắm, trong đó các nhà bán lẻ nước ngoài chiếm 40%, trong 125 trung tâm thương mại thì khu vực FDI có 31, chiếm khoảng 25%. Theo Bộ Công thương, đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm.

f

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, tính đến cuối 2013, ngành bán lẻ đóng góp 15% GDP của Việt Nam. Cũng theo CBRE, tính đến quý I/2014, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 701 tỷ đồng.

Bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) chiếm khoảng gần 25%. Tỷ lệ này tuy nhiên vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực: Philippines hiện chiếm 33%, Thái Lan 34%, Trung Quốc 51%; Malaysia 60%, Singapore 90%… Đặc biệt, gần như tất cả các phân khúc của bán lẻ hiện đại Việt Nam đều có sự hiện diện của các hãng nước ngoài.

Aeon - một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản gia nhập vào thị trường Việt Nam với việc khai trương Trung tâm mua sắm Aeon - Tân Phú Celadon tại TPHCM vào đầu năm 2014. Dự kiến tháng 10/2014, Trung tâm mua sắm thứ 2 của Aeon - Bình Dương Canary sẽ đi vào hoạt động. Tập đoàn này dự kiến tới 2020 sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Cũng làm mưa làm gió trong lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn Hàn Quốc Lotte Mart đã khai trương 4 trung tâm thương mại, tại trung tâm TPHCM. Mục tiêu đến năm 2020, Lotte Mart sẽ mở khoảng 60 cửa hàng ở khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.

Auchan (Pháp) - một tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez - kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, dự kiến sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới. Với nửa tỷ USD này, nhiều chuyên gia khẳng định, đây sẽ là một đối thủ lớn của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới của Mỹ Walmart cũng đang có ý định nhảy vào thị trường bán lẻ Việt Nam, đón đầu Hiệp định hợp tác xuyên Thái Bình Dương giữa Mỹ và các nước châu Á-Thái Bình Dương.

Theo khảo sát của CBRE, Việt Nam được coi là một trong 10 thị trường hấp dẫn nhất mà các hãng bán lẻ có ý định mở cửa hàng trong năm 2014 này.

D
g


Trong khi nhiều hãng nước ngoài bắt đầu nhòm ngó thị trường Việt, các tập đoàn bán lẻ ngoại vào Việt Nam từ trước như chuỗi siêu thị Big C, Parkson, Metro và các chuỗi cửa hàng tiện lợi quốc tế đang không ngừng mở rộng quy mô đầu tư. Đặc biệt, không chỉ hấp dẫn các nhà bán lẻ châu Âu, Việt Nam còn bắt đầu hấp dẫn với các nhà đầu tư châu Á, trong đó phải kể đến Thái Lan.
Ngành bán lẻ trở thành sân chơi của FDI và những hệ quả

Việt Nam đang đối mặt với khả năng mất thị trường nội địa cho các nhà đầu tư nước ngoài và một khi các nhà đầu tư nước ngoài áp đảo thị trường, họ có quyền quyết định nhập hàng ở đâu.

Điều này càng có cơ sở hơn khi chỉ còn vài tháng nữa, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1/1/2015, theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam.

Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến được thông qua vào cuối năm nay, mức thuế quan giảm xuống 0% cho các mặt hàng nhập khẩu, sẽ tạo điều kiện để hàng hóa nhập khẩu tràn vào hệ thống bán lẻ.

Điều này sẽ gây khó khăn cho đầu ra của hàng hóa nội nhất là khi các doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam dần hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ. Có thể thấy qua ví dụ của Berli Jucker - tập đoàn Thái Lan vừa mua lại chuỗi Metro Cash & Carry ở Việt Nam. Thương vụ được cho là giúp tập đoàn này hoàn thiện miếng ghép cuối cùng trong chuỗi cung ứng ở Việt Nam sau khi đã nhảy vào lĩnh vực sản xuất, phân phối, bán lẻ và hiện giờ là bán buôn.

Ngoài việc mở các siêu thị, nhà đầu tư nước ngoài còn mở các chuỗi cửa hàng tiện ích hay nói cách khác, họ “tấn công” thị trường Việt Nam cả ở khu vực hiện đại lẫn truyền thống. Qua đó, từng bước các chuỗi siêu thị đẩy dần hàng của họ vào.

Tại Lotte Mart, ngoài các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, siêu thị còn bán nhiều mặt hàng nhập từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Trong đó, có hẳn khu vực riêng bày bán hàng Hàn Quốc từ mì gói, gia vị đến đồ dùng gia đình.

Tận dụng tâm lý chuộng hàng Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon sử dụng chiến lược 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước khác. Tại chuỗi cửa hàng B's mart của Berli Jucker, theo số liệu đến cuối 2013, 70% hàng hóa bán tại đây là hàng Thái Lan và mục tiêu của B’s mart là tạo dựng thương hiệu hàng hóa Thái tại khu vực Đông Dương.

Việc gia tăng nguồn hàng nhập khẩu và đặc biệt từ quốc gia nơi đặt trụ sở công ty mẹ cũng là cách để các siêu thị ngoại đa dạng sản phẩm. Trung bình mỗi siêu thị nước ngoài ở Việt Nam kinh doanh 40.000-50.000 mặt hàng khác nhau, trong khi tại các siêu thị trong nước con số này chỉ 25.000-30.000 mặt hàng. Sự đa dạng trong chủng hàng của các siêu thị ngoại thường nhỉnh hơn siêu thị trong nước ở ngành hàng lẫn nhãn hàng.

Thêm vào đó, khuynh hướng sản xuất sản phẩm nhãn hàng riêng cho từng siêu thị cũng ngày càng phổ biến như ở Metro hay Big C. Bằng cách này, doanh nghiệp trong nước trở thành bên gia công tại chính thị trường nội địa.

Ở chiều ngược lại, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam rất khó vào các siêu thị lớn như Metro hay Big C vì tỷ lệ chiết khấu cao.

gafin

Hiện Bộ Công thương vẫn cho rằng tại các siêu thị lớn thì 70% là hàng Việt Nam. Song thực tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã chen chân vào hoạt động sản xuất hàng “Made in Vietnam”. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu năm nay của khối đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 70% xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 7 tháng đầu năm 2014, khối các doanh nghiệp FDI đạt tổng kim ngạch xuất khẩu là gần 51,65 tỷ USD, tương ứng chiếm gần 62% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Khi Việt Nam vẫn còn là thị trường bán lẻ đầy tiềm năng thì việc mở cửa sẽ là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp trong nước. Nếu không chủ động, doanh nghiệp nội sẽ phải chấp nhận thua ngay trên sân nhà khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này ngày càng mạnh.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện