Các công ty Việt Nam đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực, ngành và những lớp cung ứng nhưng số lượng doanh nghiệp nội địa tham gia chưa nhiều. Ảnh: Lương Bằng/vietnamnet.vn
Ngàn tỉ gia công cho hãng xe Nhật
Theo báo cáo tài chính gần nhất, năm 2022, Công ty Phụ tùng Máy số 1 (Futu1, mã FT1) đã ghi nhận doanh thu hơn 1.062 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỉ đồng, tăng lần lượt gần 36% và 57% so với năm cùng kỳ năm trước.
Đây là kết quả vượt trội so với kế hoạch đề ra của Công ty. Ông Nguyễn Đức Giang, người được ủy quyền công bố thông tin của Futu1, nhận định một số sản phẩm của Futu1 đã được khách hàng chấp nhận tăng giá. Trong khi đó, từ quý II/2022, giá vật tư đầu vào như thép chế tạo đã giảm xuống gần mức của đầu năm 2021. Điều này đã ảnh hưởng có lợi đến chi phí sản xuất và thu nhập của Công ty.
Futu1 là doanh nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên, vốn điều lệ chỉ hơn 70 tỉ đồng, kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp linh kiện, phụ tùng xe máy. Theo thông tin Công ty, những khách hàng chính của Futu1 gồm có Honda, Yamaha... Đây đều là những tên tuổi nổi bật trên thị trường xe máy Việt Nam.
Chẳng hạn, năm tài chính 2022 (từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022), doanh số bán hàng xe máy của Honda Việt Nam đạt hơn 2 triệu xe, chiếm khoảng 80% thị phần, tăng 2% so với năm tài chính trước. Với vị thế này, những công ty tham gia vào chuỗi cung ứng cho Honda Việt Nam như Futu1, Cơ khí Phổ Yên (Fomeco), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Veam)... đã hưởng lợi.
Thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ cho xe máy có nhiều tiềm năng. Theo Bộ Công Thương, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam (bao gồm cả ngành xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy) từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỉ USD. Nhưng Việt Nam mới chỉ mới đáp ứng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
An Khánh, Alobike, Mạnh Quang, Phúc Lân, Thiên Nhẫn, Sao Phương Nam, VMEP... hiện là những cái tên được biết đến trong ngành cung cấp linh kiện phụ tùng cho xe máy. Riêng về phân khúc bán linh kiện phụ tùng xe máy cho các hãng sản xuất, Veam đang dẫn đầu. Bởi các công ty liên doanh với Veam như Honda Việt Nam đều chọn sử dụng linh kiện, phụ tùng xe máy từ những đơn vị thành viên của Veam. Đây chính là cơ sở để Veam và các công ty thuộc Veam nói chung yên tâm với vị thế xác lập.
Theo báo cáo thường niên, Veam đang sở hữu khoảng 30% vốn điều lệ tại Honda Việt Nam. Với mối quan hệ này, Veam bán hàng cho Honda Việt Nam nhiều nhất và đạt doanh thu năm 2022 lên tới 1.220 tỉ đồng, chiếm 26% tổng doanh thu của Veam. Các công ty con của Veam là Futu1 (nắm giữ 55% vốn điều lệ), Fomeco (nắm 51% vốn) cũng ghi nhận vai trò quan trọng của Honda Việt Nam trong bức tranh doanh thu. Chẳng hạn, Honda Việt Nam góp 358 tỉ đồng, chiếm hơn 26% tổng doanh thu của Fomeco. Hay hãng xe máy này cũng đóng góp tới 332 tỉ đồng, tức khoảng 32% tổng doanh thu của Futu1.
Có thể thấy, một số đối thủ của Futu1 cũng là người trong một nhà với Futu1. Vị thế của Veam đã giúp Veam và các công ty thuộc Veam như Futu1, Fomeco lọt vào mắt xanh của Honda Việt Nam. Đồng thời cũng giúp Futu1 trong nhiều hoạt động mở rộng khách hàng. Bởi ngoài Honda Việt Nam, Veam còn liên kết với Toyota (nắm 20% vốn của Toyota Việt Nam), Auto Mekong, Nakyco... Đó là chưa kể các khoản đầu tư vào những công ty khác. Tính chung, Veam đang tham gia rót vốn vào 27 đơn vị, bao gồm các đơn vị trực thuộc, công ty con, công ty liên kết...
Ông Lê Minh Quy, Phó Tổng Giám đốc của Veam, cho biết từ năm 2021, Futu1 đã đưa vào thị trường một số sản phẩm mới dành cho khách hàng nội địa như gối đỡ, trục răng, bích nối, bearing housing... và cung cấp cho KDH, VinFast, Schaeffler Vietnam, Sumitomo... Futu1 hướng đến mục tiêu phát triển thêm sản phẩm (ngoài phụ tùng xe máy) để cung cấp cho khách hàng mới và xuất khẩu.
Tỉ lệ nội địa hóa của Honda cho đến nay đã đạt trên 90%, trong đó, sản phẩm linh kiện cho xe máy hầu hết được sản xuất và cung ứng tại Việt Nam, chỉ còn một số nguyên liệu đặc thù và linh kiện động cơ mang tính chất bảo mật công nghệ hiện tại Honda vẫn phải nhập khẩu.
Các công ty Việt Nam đã có mặt ở tất cả các lĩnh vực, ngành và những lớp cung ứng nhưng số lượng doanh nghiệp nội địa tham gia chưa nhiều. Ngoài ra, điểm hạn chế của các công ty Việt Nam nói chung khi tham gia vào ngành công nghiệp phụ trợ là mới chỉ tập trung vào phân khúc thấp, theo Bộ Công Thương. Đơn cử, trong hàng trăm doanh nghiệp cung ứng linh kiện, phụ tùng cho Honda Việt Nam, chưa tới 20% là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam. Còn lại đều là công ty có vốn đầu tư nước ngoài đến từ Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc...
Thị trường xe máy đang bắt đầu bão hòa và thậm chí có phần đi xuống, nhưng do dung lượng lớn, dư địa còn nhiều nên nhu cầu tìm kiếm, mở rộng, phát triển chuỗi cung ứng vẫn được các doanh nghiệp đầu chuỗi ưu tiên trong thời gian tới. Đặc biệt, các hãng xe Nhật đang có những động thái rõ ràng nhằm tách chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động đón đầu sự dịch chuyển toàn cầu, trong đó có các hãng xe Nhật. Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật (JETRO) tại TP.HCM, cho biết khảo sát gần đây của JETRO cho thấy, có đến 55,3% trong tổng số doanh nghiệp Nhật trả lời sẽ mở rộng và phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ 1-2 năm tới. Đây là tỉ lệ cao nhất trong quy mô khu vực Đông Nam Á. Còn nếu xét ở quy mô toàn khu vực châu Á, Việt Nam chỉ đứng sau Ấn Độ.
Đại diện của JETRO cũng cho rằng, để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật cũng như của các tập đoàn quốc tế, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực, cũng như liên kết hợp tác tốt hơn theo chuỗi.