Ngân sách giảm 30.000 tỷ đồng/năm nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 20%
Luật TNDN hiện hành (2008) quy định mức thuế suất áp dụng chung 25%; hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm áp dụng mức thuế cao hơn (32-50%). Để định hướng thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực và địa bàn cần khuyến khích, Luật quy định mức thuế suất ưu đãi có thời hạn tương ứng 20% và 10%. |
Tuy nhiên, để thực hiện Chiến lược cải cách thuế và phù hợp với xu thế cải cách của các nước, Chính phủ đang trình Quốc hội giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23% từ năm 2014. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (dưới 200 lao động và doanh thu không quá 20 tỷ đồng) sẽ áp thuế suất 20%.
Ông Phụng cho rằng, đề xuất này vừa đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực và cũng không gây tác động giảm thu đột ngột tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng, đồng thời không xáo trộn tới hệ thống chính sách ưu đãi.
Về đề xuất giảm thuế về 23% của Chính phủ, ông Phụng cho biết, dự kiến thu ngân sách nhà nước từ thuế TNDN sẽ giảm đi mỗi năm khoảng 12.604 tỷ đồng, nếu cả áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thì dự kiến sẽ giảm thêm khoảng hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.
Với đề xuất đưa thuế suất chung về 20% ngay từ năm 2014 để tăng mức hấp dẫn đối với cả các doanh nghiệp lớn, ông Phụng cho rằng mức đề xuất này có tác động quá lớn đến cân đối ngân sách nhà nước, số thu từ năm 2014 sẽ giảm đi khoảng 30.160 tỷ đồng mỗi năm. Nếu thêm cả số giảm thu về thuế thu nhập cá nhân 13.350 tỷ đồng mỗi năm và việc bộ sung ưu đãi thuế kéo theo giảm thu khoảng 2.081 tỷ đồng... thì tổng số giảm thu ngân sách năm 2014 lên tới 45.591 tỷ đồng.
Vị đại diện Vụ Chính sách thuế diễn giải thêm, dù việc giảm ngay thuế suất xuống 20% sẽ được bù lại các năm sau khi đầu tư tăng lên, tuy nhiên số thu tăng các năm sau mới chỉ là kỳ vọng trong khi số giảm thu là tiền thật sẽ gây khó khăn cho việc cân đối ngân sách. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến là sức ép yêu cầu phải giảm mức thuế ưu đãi 20% hiện hành xuống thấp hơn nữa, dẫn tới việc cân đối ngân sáchcòn căng thẳng hơn nhiều.
Do đó, theo ông Phụng, phương án tối ưu nhất để cân đối nguồn thu mà vẫn tạo ra được động lực kích thích đầu tư là đề xuất trước mắt đưa thuế về mức 23% và 20% từ năm 2016, đồng thời giữ nguyên mức thuế ưu đãi 20% và 10% tùy vào lĩnh vực.
Đánh giá về con số giảm thu ngân sách khi hạ thuế TNDN, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội diễn ra vào tháng 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tư duy thiết kế luật thuế phải tính được nếu giảm đi 1% thuế suất sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh thế nào, thay vì chỉ tính toán đơn thuần là ngân sách còn - mất bao nhiêu. Đặc biệt, các sắc thuế cần tính đến khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng khó khăn…
"Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu nhất. Mong muốn của doanh nghiệp là giảm nghĩa vụ và thuế suất giảm, tuy nhiên mức thuế 23% phổ thông và 20% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa dự kiến thực hiện sớm 6 tháng từ 1/7/2013 tới đây so với các nước trong khu vực thì đã khá là cạnh tranh và hấp dẫn", Thứ trưởng nói.
Nguồn Dân Việt