Ngân hàng xin bán quyền kiểm soát cho cổ đông ngoại
Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc một ngân hàng vốn trên 10.000 tỷ đồng cho biết, sau 3 năm tái cơ cấu, hoạt động của Ngân hàng dần tăng trưởng và ổn định. Nợ xấu đã được kiểm soát xuống mức trên 1% sau khi nhà băng này đã bán lượng nợ xấu khổng lồ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Chính việc minh bạch thông tin và từng bước đẩy mạnh xử lý nợ xấu của nhà băng này đã tạo điều kiện tốt cho việc thu hút thêm vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong giai đoạn 2014 - 2015, dù đang quá trình đẩy mạnh tái cấu trúc, ngân hàng này đã thu hút được 2 quỹ đầu tư nước ngoài đến từ Hồng Kông, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài là 15% trong đợt tăng vốn đầu năm 2015 của ngân hàng.
Nhưng không dừng lại ở đó, vị tổng giám đốc trên cho biết, để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh trên thị trường, HĐQT tiếp tục tính đến phương án xin chủ trương của Chính phủ cho phép được bán quyền kiểm soát cho cổ đông ngoại, với tỷ lệ nắm giữ trên 50%.
“Chúng tôi đã có phương án trình lên các cơ quan hữu quan về kế hoạch nói trên và trước mắt đã được chấp thuận về mặt chủ trương, song từ chủ trương đến thực tế đòi hỏi phải có thời gian”, vị tổng giám đốc này nói.
Cũng theo vị tổng giám đốc trên, kế hoạch này đã được ngân hàng xây dựng kỹ lưỡng và trong các đợt tăng vốn tiếp theo của ngân hàng những năm tới, nhiều khả năng, cổ đông ngoại sẽ tiếp tục tăng quyền sở hữu để có thể nắm quyền chi phối cao nhất.
Đến nay, sau khi hoàn tất việc sáp nhập Southern Bank, theo một nguồn tin đáng tin cậy, Sacombank đang lên kế hoạch bán một tỷ lệ cổ phần tương đối lớn cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nhưng vẫn nằm trong tỷ lệ tối đa cho phép 30%. Đối tác chiến lược nước ngoài được Sacombank đánh giá cao là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Sacombank được xem là một trong những nhà băng đã sớm có chiến lược thu hút vốn ngoại để nâng cao năng lực tài chính khi cách đây gần 10 năm ngân hàng đã bán gần 10% cổ phần cho ANZ. Thế nhưng, vào cuối năm 2012, ANZ đã chuyển nhượng phần vốn này cho Eximbank khi nhóm cổ đông lớn thâu tóm Sacombank.
Sau sáp nhập Southern Bank, tổng tài sản của Sacombank lên đến 290.861 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 18.853 tỷ đồng. Như vậy, xét về tổng tài sản, Sacombank sau sáp nhập sẽ xếp thứ 5 tại Việt Nam, chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV. Thế nhưng, Sacombank cho biết, để nâng tầm cạnh tranh không chỉ trong nước, mà còn cả với khu vực, Ngân hàng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực tài chính bằng cách thu hút thêm nguồn vốn cổ đông ngoại.
Trong khi đó, sau khi bán 49% cổ phần của HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản) đổi tên thành Công ty Tài chính HDSaison, Ngân hàng HDBank cũng đang tính đến kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong 2 kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 và 2015, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, Ngân hàng đang quá trình đàm phán với các đối tác chiến lược nước ngoài đến từ khu vực châu Âu, Mỹ và Nhật Bản về việc bán cổ phần.
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Đại học mở TP.HCM), việc nâng năng lực tài chính là điều cần thiết đối với các ngân hàng Việt Nam, nhất là trước bối cảnh thị trường ngày càng rộng mở đối với ngân hàng ngoại trên thị trường nội địa. Vì thế, việc các ngân hàng Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài là cần thiết để đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, TS. Thuận cũng cho rằng, để thành công, các ngân hàng phải tìm hiểu kỹ đối tác chiến lược nước ngoài để có thể cùng gắn bó lâu dài trong chiến lược tăng trưởng, đưa ngân hàng ngày một tăng trưởng ở mức cao hơn, thay vì sớm chia tay sau một thời gian hợp tác.
Nguồn Đầu tư