Ngân hàng Xây dựng: Bốn năm, ba đời chủ
Cuối tuần trước, thị trường ngân hàng vừa xuất hiện thêm một thương hiệu mới nhưng mà cũ: thương hiệu CB của Ngân hàng Xây Dựng. Bởi lẽ, kể từ khi được liệt kê vào danh sách các ngân hàng yếu kém cần được xử lý, đây là lần thứ hai ngân hàng này công bố bộ nhận diện thương hiệu mới và chiến lược mới. Tuy nhiên, lần này khác biệt ở chỗ có sự góp mặt của đại diện Nhà nước. CB sẽ tái cấu trúc như thế nào và liệu đó có là câu chuyện chung cho 2 ngân hàng “được mua với giá 0 đồng” còn lại là GPBank và OceanBank?
Lận đận Ngân hàng Xây dựng
Câu chuyện về Ngân hàng Xây Dựng là điển hình cho số phận long đong của một ngân hàng thương mại khi chỉ trong 4 năm đã phải trải qua 3 đời chủ. Tiền thân của CB là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), một trong những ngân hàng nông thôn tiến lên thành thị trong giai đoạn 2008. Năm 2011, Đại Tín là 1 trong số 9 ngân hàng nằm trong danh sách ngân hàng yếu kém cần tái cấu trúc. Khi đó, yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng là phải có dòng tiền thực rót vào, có thể là cổ đông hiện hữu hoặc cổ đông mới.
Chính vì thế, thị trường có lẽ rất kỳ vọng vào sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới mà đại diện là Tập đoàn Thiên Thanh. Sau khi mua lại gần 85% cổ phần của Ngân hàng, tập đoàn này đã thực hiện hàng loạt thay đổi. Tháng 5.2013, Ngân hàng đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam (VNBC) với định hướng tài trợ cho lĩnh vực bất động sản, là lĩnh vực hoạt động của nhóm cổ đông chi phối.
Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, những sai phạm từ nhóm cổ đông chi phối này khiến VNBC lận đận thêm một lần nữa. Sau Đại hội cổ đông bất thường vào đầu năm 2015, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố mua lại VNBC với giá 0 đồng vì không có cổ đông nào khác góp vốn vào. VNBC trở thành “ngân hàng 0 đồng” đầu tiên trong số 3 ngân hàng được Nhà nước mua lại kể từ đầu năm đến nay.
Đến tháng 3 vừa qua, ngân hàng này đã chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động là Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn. Từ tháng 7, Ngân hàng công bố thương hiệu mới là CB với mục tiêu rất rõ ràng: “Xóa đi trong tâm thức của khách hàng hình ảnh một ngân hàng 0 đồng”. Liệu dưới sự hỗ trợ của ngân hàng dẫn đầu thị trường là Vietcombank, CB có thực hiện được mục tiêu này?
Điểm khác biệt cơ bản của CB so với VNBC chính là sự thay đổi về chiến lược kinh doanh. Mặc dù vẫn giữ tên là Ngân hàng Xây Dựng, CB nay lại đưa ra chủ trương đa dạng hóa danh mục khách hàng. “Trên cơ sở định hướng của Ngân hàng Nhà nước, định hướng của CB là trở thành một ngân hàng bán lẻ hiện đại”, ông Đàm Minh Đức, Tổng Giám đốc CB, cho biết.
Với chiến lược mới đã được Vietcombank tư vấn và phê duyệt, CB tiến hành nhiều thay đổi lớn, mà trước hết là ở bộ máy nhân sự. Theo đó, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, được điều chuyển sang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên. Ngoài ra, Vietcombank còn góp mặt thêm nhân sự cấp cao vào Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát và Ban điều hành. Riêng hai nhân sự cũ trước đây là ông Đàm Minh Đức, nguyên Tổng Giám đốc và ông Phạm Văn Đạt, nguyên Phó Tổng Giám đốc, sẽ tiếp tục giữ cương vị cũ.
Không chỉ chiếm gần 100% vị trí nhân sự chủ chốt ở CB, người của Vietcombank còn tham gia vào hệ thống quản lý cấp trung. “Đến thời điểm hiện nay, CB đang diễn ra sự kết hợp giữa hệ thống quản trị điều hành cũ của ngân hàng và những con người mới đến từ Vietcombank trên toàn hệ thống”, ông Đức cho biết.
Tất nhiên, đó chỉ là những thay đổi ở bề nổi. Không những đóng góp chiến lược và nhân sự, vai trò của Vietcombank còn thể hiện ở chỗ hỗ trợ thanh khoản, các hệ thống văn bản, quy trình, quy chế và hệ thống công nghệ thông tin. Theo đại diện của CB, mẫu số chung của những cuộc chuyển giao này là nhằm phục vụ cho nền tảng cơ bản, từ công tác quản trị điều hành cho đến các sản phẩm dịch vụ cơ bản phục vụ cho quá trình tái khởi động lại hệ thống CB. Về yếu tố công nghệ, đại diện CB cho biết Ngân hàng tiếp thu chọn lọc những tinh hoa được chuyển giao từ hệ thống của Vietcombank.
Trở lại đường đua
Liệu những thay đổi này có tác động tích cực đến CB? Chia sẻ trên báo giới, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, tỏ ra tự tin: “Việc đưa Ngân hàng Xây Dựng trở lại hoạt động bình thường là hoàn toàn khả thi”.
Thông thường, những cuộc tái cấu trúc của ngân hàng đều cần đến tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Ở cuộc tái cấu trúc này, điều đặc biệt là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước xử lý bằng cách tham gia trực tiếp vào cả ban quản trị và ban điều hành, khác hoàn toàn với quá trình tái cấu trúc ở các ngân hàng tư nhân khác trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay. Chẳng hạn như Ngân hàng Tiên Phong, Ngân hàng Quốc Dân (Navibank), Ngân hàng Kiên Long đều phải “tự lực cánh sinh”.
Khi về với Vietcombank, hay nói cách khác là ở dưới trướng của Ngân hàng Nhà nước, chuyện thanh khoản không còn là vấn đề đáng ngại. Vì vậy, rủi ro hệ thống sẽ dễ dàng được loại bỏ và đó cũng là mục tiêu ưu tiên của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, để quá trình tái cấu trúc diễn ra nhanh hơn, chuyện kinh doanh có lãi cũng quan trọng không kém. Do đó, ngoài tổ chức lại cơ cấu hoạt động thì việc chia sẻ khách hàng trong giai đoạn đầu là khá quan trọng.
Trong lần trả lời báo giới về định hướng tái cấu trúc hai ngân hàng 0 đồng khác là GPBank và OceanBank, ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc VietinBank (đơn vị phụ trách tái cấu trúc toàn diện 2 ngân hàng trên), cho biết VietinBank sẽ hỗ trợ cụ thể hơn bao gồm chia sẻ cơ hội kinh doanh và nền tảng khách hàng.
Hãy quay trở lại chuyện thay đổi mục tiêu sang ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng Xây Dựng. Đây cũng là điều bình thường, khi trong lúc này nhiều ngân hàng đều muốn tham gia thị trường bán lẻ do tiềm năng thị trường tài chính cá nhân ở Việt Nam còn rất lớn.
Thế nhưng, chuyện gầy dựng một thương hiệu bán lẻ mới rất khó, nhất là trong bối cảnh thị trường ngân hàng đang cạnh tranh khốc liệt. Muốn bán lẻ thì phải có quy mô. Một ngân hàng mà vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3.000 tỉ đồng sẽ khó tồn tại trong thời điểm hiện nay, chứ chưa nói đến tương lai. Do đó, muốn tái cấu trúc thành công, CB có thể phải tính đến con đường tăng vốn.
Đó là câu chuyện ở tương lai, còn ở hiện tại, nhiệm vụ quan trọng trước mắt của CB là gầy dựng lại niềm tin của người gửi tiền, vốn là “trái tim” cho mọi hoạt động của một ngân hàng thương mại. Dù thay 3 đời chủ trong 4 năm, nhưng ông Đức vẫn cho biết: “Kết quả tăng ròng trong việc huy động vốn từ dân cư của CB trong thời gian qua phần nào cho thấy niềm tin của khách hàng đã trở lại với Ngân hàng”.
Thanh Phong