Thứ Tư | 18/09/2013 07:54

Ngân hàng vào cuộc nước rút tín dụng cuối năm

Gần hết quý 3/2013, song tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng mới đạt phân nửa mục tiêu 12%, buộc các ngân hàng vào cuộc đua nước rút.
Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty cổ phần tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á Phạm Thị Loan, cho biết, nhu cầu vay vốn tín dụng của doanh nghiệp lúc nào cũng có, tuy nhiên, năm nay giảm mạnh.

Cụ thể, đơn hàng theo hợp đồng của doanh nghiệp năm 2013 chỉ bằng phân nửa so với năm trước, doanh thu cả năm ước cũng chỉ vài trăm tỉ đồng, trong khi một vài năm trước tới hàng ngàn tỉ đồng. Riêng phục vụ cho hoạt động kinh doanh từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp cần khoảng 50 - 70 tỉ đồng vốn vay ngân hàng.

Mặc dù doanh nghiệp đã làm việc với nhiều ngân hàng và cũng có nhiều ngân hàng đến chào vay vốn, nhưng đến nay vẫn chưa "chốt" hợp đồng tín dụng với đơn vị nào. Nguyên nhân, theo bà Loan, phần vì mặt bằng lãi suất cho vay vốn vẫn ở mức cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp, phần khác, thủ tục, hồ sơ cho vay vốn cũng chưa thông thoáng, dễ dàng cho doanh nghiệp. "Mặc dù các ngân hàng nói rằng đã giảm mạnh lãi suất cho vay vốn, song mức lãi suất trung bình chúng tôi đang phải trả là 12%/năm", bà Loan nói.

Nhu cầu và khả năng vay vốn đều giảm

Việt Á là một lát cắt trong bức tranh tổng thể về cung - cầu vốn trên thị trường, phần nào lý giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn rất ì ạch. Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 6,45% so với cuối năm 2012, trong khi tốc độ tăng trưởng huy động đạt 10,49%.

Trong suốt thời gian dài vừa qua, nền kinh tế vẫn đang chật vật xoay xở trong khó khăn. Kết quả kinh doanh quý hai của các doanh nghiệp niêm yết - vốn là những doanh nghiệp dẫn đầu - cho thấy, gần 30% doanh nghiệp thua lỗ.

Cũng khối doanh nghiệp niêm yết, có hơn 300 doanh nghiệp có hệ số DER (nợ phải trả/vốn chủ sở hữu) vượt trung bình ngành, trong đó 100 trường hợp vay nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu. Như công ty cổ phần GGG, vốn chủ sở hữu 65 tỉ đồng, trong khi lỗ luỹ kế 97 tỉ đồng, vay nợ ngắn hạn hơn 106 tỉ đồng (chỉ số vay nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu tới 1,635 lần).

Hay như công ty BHV đang gánh khoản vay ngắn hạn hơn 26,7 tỉ đồng, lỗ lũy kế 18,4 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này chỉ còn 234 triệu đồng (vay nợ ngắn hạn vượt vốn chủ sở hữu tới 114 lần)… Điều đó cho thấy, những doanh nghiệp này có nhu cầu thì cũng khó đủ điều kiện để tiếp cận vốn.

"Phá giá lãi suất"

Chỉ còn hơn ba tháng nữa để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng, doanh thu, lợi nhuận cả năm, nên các ngân hàng phải tìm mọi cách bơm vốn.

Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) hôm qua (17/9) cho biết vừa triển khai gói 2.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi, lãi suất tối thiểu 9%/năm trong ba tháng đầu tiên và tiếp tục áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho các tháng còn lại, hướng vào các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, tiểu thương kinh doanh hàng tết Giáp Ngọ 2014.

Gói tín dụng của Sacombank chỉ là một trong số nhan nhản các chương trình cho vay ưu đãi được tung ra thị trường và để tạo sự nổi trội, buộc các ngân hàng phải tìm những cách thức mời chào, quảng bá độc đáo hơn. Như ngân hàng Đại Dương (OceanBank), mới đây giới thiệu chương trình "phá giá lãi suất" rao công khai trên website của ngân hàng này. Vay vốn mua nhà, mua xe, tiêu dùng… chỉ phải trả mức lãi suất 5,91% - mức thấp nhất trên thị trường hiện nay, và được áp dụng tới cả năm, hoặc ít ra trong sáu tháng chứ không chỉ một vài tháng đầu tiên như một số ngân hàng trước đó áp dụng. Phó tổng giám đốc OceanBank Trần Thanh Quang, cho biết, với khoản vay có lãi suất "phá giá" này, ngân hàng chấp nhận phải bù từ các dịch vụ khác.

Tổng giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội, cho rằng, giờ là lúc "ngân hàng phải luỵ khách hàng". Một mặt, để chuẩn bị nhu cầu vốn cuối năm, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục tăng huy động bằng cách tăng lãi suất kỳ hạn dài, đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, quà tặng, quay số trúng thưởng cho khách gửi tiền (một cách thức để lách quy định trần lãi suất của NHNN). Mặt khác phải tìm mọi cách mời chào khách vay, trong đó giảm lãi suất vẫn là biện pháp cạnh tranh trực tiếp nhất. Ông này nhận định, sau OceanBank, chắc chắn sẽ có thêm ngân hàng tung ra các gói tín dụng có lãi suất hấp dẫn, và thị trường ngân hàng sẽ bị cuốn vào cuộc đua hạ lãi suất cho vay vốn.

Nguồn Sài Gòn tiếp thị


Sự kiện