Ngân hàng vẫn hấp dẫn vốn ngoại
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, GPBank đang hoàn tất các thủ tục trình cơ quan chức năng để bán cổ phần cho NĐT nước ngoài. Nhiều khả năng, GPBank sẽ bán 100% vốn cho Tập đoàn UOB của Singapore để tiến hành tái cơ cấu.
Cổ đông chiến lược của MeKong Bank là Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH) đang hoàn tất việc chuyển nhượng cổ phần cho Maritime Bank trước khi thương vụ sáp nhập MeKong Bank vào Maritime Bank hoàn tất, dự kiến trong năm nay. Tuy nhiên, sau khi thoái vốn khỏi MeKong Bank, FFH có ý định tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một NHTM cổ phần khác của Việt Nam, thay vì rút vốn về nước.
Ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc CTCK KIS Việt Nam cho rằng, quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam là cơ hội cho NĐT nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực này. Đặc biệt, Chính phủ đã cho phép các NĐT nước ngoài nắm hơn 30% cổ phần tại ngân hàng Việt Nam trong một số trường hợp để tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu. Ngoài ra, các NĐT chiến lược nước ngoài có thể sở hữu đến 20% cổ phần ngân hàng trong nước mà không cần sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo ông Hee, ngành ngân hàng là một ngành đặc thù và việc các NĐT nước ngoài có sẵn sàng rót vốn vào các ngân hàng Việt Nam hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố như: chiến lược phát triển phù hợp, triển vọng tăng trưởng, nét tương đồng về văn hóa giữa hai ngân hàng…
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính nước ngoài, đối với thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, nhu cầu về sản phẩm dịch vụ, tài chính bán lẻ sẽ tăng mạnh những năm tới, khi nền kinh tế tăng trưởng cao trở lại. Ngành ngân hàng có thể tăng trưởng với tốc độ 2 lần hoặc 2,5 lần so với tăng trưởng GDP ở các thị trường mới nổi.
Ông David C. Kadarauch, Giám đốc Trung tâm Phân tích, CTCK ACBS đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam, nhất là về dịch vụ tài chính bán lẻ. Có thể trước mắt, các ngân hàng của Việt Nam đang gặp khó khăn, nhưng tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới là rất lớn, khi nền kinh tế hồi phục, tín dụng tăng trưởng, nợ xấu được xử lý. Do đó, đây được xem là thời điểm tốt để NĐT nước ngoài xem xét rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng. Để thu hút nguồn vốn này, Việt Nam nên nới thêm “room” cho các NĐT nước ngoài.
Thực tế, nhiều NĐT nước ngoài cho hay, với tỷ lệ cổ phần tối đa 20% đối với một cổ đông chiến lược nước ngoài được nắm giữ tại NHTM Việt Nam, họ khó có được tiếng nói chi phối trong HĐQT nên khó có được các quyết sách về chiến lược phát triển.
Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, ông Andy Ho cho rằng, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Việt Nam cũng nên xem xét nới thêm “room” để hấp dẫn vốn ngoại. Theo ông Andy Ho, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực này tại Việt Nam là rất lớn, nhờ số lượng dân số trẻ và nhu cầu tài chính ngày càng gia tăng. Do đó, các NĐT ngoại luôn quan tâm đến ngân hàng Việt Nam.
Đáng chú ý, trong bối cảnh ngành ngân hàng Việt Nam đang tiến hành tái cấu trúc, đẩy mạnh xử lý nợ xấu nên nhu cầu thu hút thêm vốn ngoại để tái cấu trúc đối với các ngân hàng nội chính là cơ hội cho NĐT ngoại. Bản thân VinaCapital cũng quan tâm đến lĩnh vực tài chính, bất động sản, hàng tiêu dùng…
Hiện Quỹ đầu tư VOF Investment Limited thuộc VinaCapital đang nắm giữ 5,02% vốn điều lệ của Eximbank, trở thành cổ đông lớn thứ ba của nhà băng này. Theo lãnh đạo VinaCapital, khi có cơ hội, Tập đoàn sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư. Nhưng trước tình hình nợ xấu ngân hàng vẫn là rào cản đối với tăng trưởng của ngành hiện nay, các tổ chức tài chính nước ngoài cho rằng, cần sớm hình thành thị trường mua bán nợ để thu hút NĐT nước ngoài tham gia nhằm có thêm nguồn lực về tài chính trong xử lý nợ xấu.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán