Ảnh: TL
Ngân hàng vẫn chạy đua huy động vốn kỳ hạn dài
Thanh khoản liên ngân hàng dư thừa
Theo báo cáo về thị trường trái phiếu tuần mà BVSC công bố ngày 25/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện bơm ròng 19.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu trong tuần 15.07-19.07.2019. Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 29.998 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 3%) trong khi có 48.998 tỷ đồng đáo hạn trong tuần. Trên kênh OMO, NHNN không thực hiện hoạt động phát hành mới và không có lượng đáo hạn nào.
Tính lũy kế từ đầu năm 2019 tới nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 86.506 tỷ đồng. Theo BVSC, động thái bơm ròng của NHNN tiếp tục trong tuần này cũng phần nào giúp thanh khoản tích cực hơn và lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ trong tuần.
Lãi suất liên ngân hàng giảm xuống dưới mức 3%/năm. Lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn trong tuần vừa qua có xu hướng giảm tương đối mạnh. Đối với kỳ hạn qua đêm và 2 tuần, lãi suất lần lượt giảm từ mức 2,75% và 2,7% xuống mức 3,2% và 3,1%. Tuy vậy kỳ hạn 1 tuần thì lãi suất lại tăng nhẹ 0,05%, lên mức 2,9%. Việc lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm trong tuần qua và xuống dưới mức 3%/năm cho thấy thanh khoản hệ thống đã có phần dư thừa trở lại.
Ngân hàng vẫn chạy đua huy động vốn kỳ hạn dài
Dù vậy, lãi suất huy động trên thị trường 1 (huy động từ khu vực dân cư và tổ chức kinh tế), vẫn ở mức cao bất chấp việc lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt. Trao đổi với NCĐT, một nhà giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tiết lộ: “Thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng vẫn đang dư thừa, nhưng các ngân hàng vẫn cần huy động vốn trung dài hạn, do thay đổi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn".
Theo vị chuyên gia này, vấn đề ở đây là, thiếu huy động ở kỳ hạn dài, chứ thực tế là vốn ngắn hạn không thiếu, kể cả các ngân hàng nhỏ. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Bản Việt có lãi suất huy động tiền gửi 12 tháng ở mức 8%, lãi suất tăng theo kỳ hạn, và lên tới 8,6% cho kỳ hạn 60 tháng. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam chỉ trưng biểu lãi suất huy động kỳ hạn 12-60 tháng ở mức 6,8%/năm.
Từ đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng đã giảm về mức 40%. Và trong thời gian tới, tỷ lệ này có thể còn giảm hơn nữa khi NHNN đang đề xuất 2 phương án giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn xuống còn 30%.
Theo phương án 1, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ là 40% từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020. Còn từ 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tỷ lệ này sẽ được giảm về còn 35% và sẽ giảm tiếp về còn 30% từ 1/7/2021.
Với phương án 2, lộ trình điều chỉnh chậm hơn. Cụ thể, từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2020 tỷ lệ tối đa là 40%; từ 1/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, tỷ lệ tối đa giảm còn 37%; từ 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 tối đa 34% và từ 1/7/2022 sẽ được giảm về tối đa 30%.
Với viễn cảnh như vậy, các ngân hàng có thể vẫn phải chạy đua để huy động nhằm đáp các quy định ngày một nâng cao của NHNN.
Trả lời báo giới, tiến sỹ Cấn Văn Lực cho biết, những quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn là áp lực khiến các nhà băng phải thay đổi cơ cấu nguồn vốn, theo hướng gia tăng vốn trung - dài hạn.