Ngân hàng và bài toán chất lượng tín dụng
Các NH cần chú trọng nhiều hơn đến các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng. Nếu không nguy cơ nợ xấu phát sinh từ những khoản tín dụng mới sẽ luôn rình rập.
Tín dụng tăng trong vòng kiểm soát
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, đến 30/6/2015, tăng trưởng tín dụng (TTTD) toàn hệ thống đạt 7,83%. Sức bật tín dụng trong thời gian qua được lãnh đạo NHTM tiết lộ, nhờ lực đẩy tín dụng từ cuối năm ngoái, cùng với tín hiệu khả quan từ nền kinh tế trong những tháng đầu năm đã thúc đẩy các DN mạnh dạn vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh hơn.
Trao đổi với phóng viên Thời báo NH, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Techcombank Vikesh Mirani cho biết, tình hình kinh tế khả quan, DN mạnh dạn vay vốn hơn nên nhu cầu tín dụng gia tăng cùng với việc NH tích cực cải thiện danh mục sản phẩm… đã thúc đẩy tín dụng 6 tháng đầu năm của Techcombank tăng 11,81%. Ngoài Techcombank, một số NH khác cho biết, chưa hết 6 tháng kinh doanh, họ đã tăng trưởng hết room tín dụng NHNN cho phép hồi đầu năm.
Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN quyết định chấp thuận hơn một chục NH được điều chỉnh chỉ tiêu TTTD. Việc NHNN một lần nữa linh hoạt cho phép các NH điều chỉnh TTTD được đánh giá là động thái tích cực nhằm hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh. Nhưng trước đó Thống đốc đã lưu ý việc xét nâng tỷ lệ TTTD cho các NH dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt là xử lý nợ xấu.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý thực hiện điều này mà những năm trước NHNN cũng thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng để hỗ trợ kịp thời vốn cho nền kinh tế. Và cũng như lần trước đó, chỉ tiêu TTTD đối với các NH không cào bằng mà có sự khác biệt. Có những NH chỉ tăng rất ít nhưng có những NH tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với chỉ tiêu cũ. Vì sao lại có sự điều chỉnh như vậy?
Theo Chủ tịch HĐQT một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, khi đưa ra các mức, phải xem xét, đánh giá thực trạng từng NH. Nếu NH có chiến lược kinh doanh tốt thì điều này nên khuyến khích. Dù NH được phép điều chỉnh vừa thực hiện tái cơ cấu lại hay sáp nhập, hợp nhất nhưng nền tảng tài chính họ đã được củng cố, phương án hoạt động tốt thì đây cũng là tín hiệu tích cực.
Nhìn vào con số TTTD đến 35% của một NH, thành viên HĐQT một NH nhỏ cho rằng, có thể đánh giá là tăng nóng, nhưng, trong số các NH được nới chỉ tiêu tăng tín dụng ở mức cao, chủ yếu là những NH quy mô nhỏ. Nên nếu NH nhỏ có tăng ở mức trên 30% thì cũng không tác động nhiều đến tổng dư nợ của toàn hệ thống. Dù được “nới” chỉ tiêu, song việc cấp tín dụng của các NH vẫn bị NHNN giám sát chặt chẽ, sao cho vốn phải hướng vào các lĩnh vực ưu tiên.
“Chúng ta phải kiểm soát TTTD về tổng thể chỉ xung quanh mức 17%. Còn về mặt cơ cấu tín dụng phải đảm bảo tín dụng phục vụ cho các ngành sản xuất, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên mà NHNN đề ra, tránh tín dụng dồn vào một số lĩnh vực phi sản xuất nhất là những lĩnh vực tạo ra đầu cơ” - Thống đốc NHNN đưa ra định hướng. Qua tìm hiểu của phóng viên, cũng có những NH đăng ký xin điều chỉnh tín dụng nhưng vẫn chưa được NHNN chấp thuận.
Cẩn trọng vẫn không thừa
Dẫu vậy, các chuyên gia băn khoăn sau một thời gian tăng trưởng khó khăn, giờ tín dụng tăng nhanh như vậy có thể khiến các NH lơ là chất lượng tín dụng. Sự lo lắng này không phải không có cơ sở khi tín dụng đã trải qua những thời kỳ tăng trưởng nóng, hạ chuẩn tín dụng đã khiến nợ xấu tăng mà hiện hệ thống NH đang phải vất vả xử lý. Nhưng có lẽ những bài học xương máu trước đây cũng khiến các NH phải cẩn thận hơn khi cho vay và quản lý rủi ro tích cực hơn.
Không quá lạc quan nhưng Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng đánh giá, năng lực quản lý rủi ro và mức độ cẩn trọng trong việc quản lý, cấp tín dụng của các NH so với trước đây đã tăng một bậc. Bởi từ những sai lầm trong quá khứ các NH đã rút kinh nghiệm và trưởng thành hơn.
Bài học mất vốn khiến NHNN phải mua lại với giá 0 đồng là nhắc nhở hiện hữu cho các NH hôm nay và cả sau này. Vì lẽ đó, không chỉ NH mà ngay cả các cổ đông NH cũng phải cảnh giác đối với bài học tăng trưởng nóng. Tuy nhiên, cảnh tỉnh đến đâu còn tùy vào cách thức, trình độ nghệ thuật triển khai của mỗi NH.
Ông Vikesh Mirani lý giải thêm việc Techcombank điều chỉnh mục tiêu TTTD, bên cạnh cầu tín dụng tăng, NH còn dựa trên bảng cân đối tài chính lành mạnh. Techcombank đã đầu tư đáng kể để cải thiện hệ thống quản trị rủi ro của mình. “Công nghệ cải tiến đi liền với việc áp dụng những chuẩn mực tốt nhất đã giúp NH tăng cường chất lượng tín dụng cũng như quản lý dịch vụ khách hàng…” - ông Vikesh Mirani tự tin khẳng định.
Dù các NH đã rất thận trọng trong quản lý chất lượng tín dụng, nhưng nền kinh tế luôn vận động không ngừng với những biến động khó lường, vì vậy, việc chú trọng nhiều hơn đến các biện pháp kiểm soát chất lượng tín dụng vẫn không thừa. Nếu không nguy cơ nợ xấu phát sinh từ những khoản tín dụng mới sẽ luôn rình rập.
Vị Chủ tịch một NHTMCP cũng thừa nhận, hoạt động kinh doanh của NH là nhằm mục tiêu lợi nhuận. Nhưng nếu chỉ vì lợi nhuận, vì cái lợi trước mắt, mà không quan tâm đến đại cục, đến cái chung sẽ rất dễ mắc phải sai lầm, gây tổn thất không chỉ cho NH đó mà cho cả hệ thống. Vì trong kinh doanh tiền, ranh giới giữa chặt chẽ với lỏng lẻo là khá mong manh.
Do đó, theo lãnh đạo NH này, các NH cần phải xác định thực trạng của mình kể cả sở trường, sở đoản để căn chỉnh dòng vốn một cách phù hợp, tránh bơm vốn theo phong trào.
Ủng hộ việc điều chỉnh room tín dụng, nhưng lãnh đạo một NH cho rằng, để tăng trưởng một cách bền vững, các NH phải có hệ thống quản lý rủi ro chặt chẽ và phải dựa vào 3 trụ cột Basel II với tất cả quy định quy chế đầy đủ để kiểm soát rủi ro, cũng như khẩu vị rủi ro của mỗi NH, để đảm bảo bơm vốn một cách an toàn, phù hợp. Mặc dù, Basel II mới chỉ áp dụng thử nghiệm tại 10 NH, nhưng theo vị này, các NH phải thực hiện dần từng cấu phần trong các cột trụ của Basel II để thiết lập hệ thống quản lý rủi ro chặt chẽ, khống chế rủi ro phát sinh.
Nguồn Thời báo ngân hàng