Ảnh: QH.

 
Thanh Phong Thứ Tư | 08/05/2019 10:00

Ngân hàng trước ngưỡng nâng chuẩn

Các ngân hàng sẽ phải tiếp tục nâng chuẩn an toàn hoạt động trong thời gian tới.

Hàng loạt điểm mới trong tiêu chuẩn hoạt động của ngân hàng được cơ quan quản lý phác họa trong một dự thảo mới được công bố vào đầu quý II này, dự kiến sẽ thay thế Thông tư 36 và Thông tư 41 đã từng gây chú ý trước đó.

Giống như các quy định trước, một trong những vấn đề mà cơ quan quản lý tập trung kiểm soát vẫn là buộc các ngân hàng phải sở hữu “lớp đệm” dự phòng rủi ro cho bản thân, nhưng lần này cao hơn so với thời kỳ trước.

Cụ thể, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn dự kiến sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm về mức 30%, còn thời điểm cụ thể vào năm 2020 hay 2021 vẫn còn đang để ngỏ. Thông tư trước đó quy định tỉ lệ này ở mức 45% trong năm 2018 và phải giảm về 40% từ đầu năm 2019 này.

Ngan hang truoc nguong nang chuan

Tỉ lệ này phản ánh mức độ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay các dự án trung và dài hạn ở các ngân hàng, đã khiến nhiều tổ chức tín dụng phải đau đầu trong thời gian qua. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong quá khứ nhiều tổ chức tín dụng chưa quản lý tốt nguồn vốn huy động và cách sử dụng. Tăng trưởng tín dụng cao trong khi nguồn vốn để thực hiện không đủ, hoặc gặp rủi ro về kỳ hạn (lấy vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn quá nhiều). Khi thiếu vốn, các tổ chức tín dụng cũng trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường như đi vay khu vực dân cư, doanh nghiệp và thị trường các ngân hàng với lãi suất cao hơn.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, vào cuối năm 2018, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng thương mại là 30,7% (ngân hàng có sở hữu nhà nước), 32,67% (khối ngân hàng tư nhân) và một số ngân hàng có mức cao hơn. Ở khía cạnh khác, dự thảo cũng điều chỉnh hệ số rủi ro với các khoản vay.

 Cụ thể như tăng hệ số rủi ro với các khoản vay thế chấp có dư nợ hơn 1,5 tỉ đồng từ đầu năm 2020. Với những khoản vay tiêu dùng không đảm bảo, hệ số rủi ro có thể lên đến 150%, như khoản vay cá nhân mua nhà, mua đất có dư nợ trên 3 tỉ đồng. Hệ số rủi ro là một trong những yếu tố mà ngân hàng phải cân nhắc khi cho vay vì ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất đầu ra hay khả năng mất vốn.

Bằng cách thêm nhiều quy định mới gắt gao hơn được đưa ra, cơ quan quản lý kỳ vọng sẽ giúp cho hệ thống tài chính tiếp tục ổn định lâu dài trong thời gian tới. Tuy nhiên, hệ lụy trước mắt, như nhiều chuyên gia và người trong cuộc lo ngại, chính là dòng tín dụng bị siết lại trong giai đoạn tiếp theo, cho dù tính toán của cơ quan quản lý, việc tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn mỗi năm giảm khoảng 5% sẽ không ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng.

Ngan hang truoc nguong nang chuan

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nếu tăng hệ số rủi ro sẽ hạn chế hoạt động tín dụng đối với ngân hàng, trong khi đó chi phí vốn vay của khách hàng tăng lên. Nhiều ngân hàng chưa ước lượng và đánh giá cụ thể tác động của dự thảo mới này, nhưng đều cho biết chắc chắn phải huy động thêm nhiều vốn hơn từ thị trường. Điều này càng thêm khó khăn trong bối cảnh các ngân hàng đang chạy đua tăng vốn cấp 1 để đáp ứng tiêu chuẩn Basel II sẽ được áp dụng đồng loạt trong thời gian tới.

Theo SSI, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tăng lên, đặc biệt là các ngân hàng có tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đạt ngưỡng 35-37% vào giữa năm 2020. “Để duy trì cấu trúc cho vay tương tự, các ngân hàng sẽ phải tăng lượng tiền gửi trung và dài hạn, vốn có chi phí cao hơn so với các khoản tiền ngắn hạn và không kỳ hạn”, báo cáo SSI nhận định.

Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất huy động trong thời gian tới sẽ tiếp tục được duy trì ở mức cao so với năm 2018 (hiện ở mức 7-8%). Tất nhiên, sự ảnh hưởng cụ thể tới mỗi ngân hàng còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Có ngân hàng sở hữu lợi thế về huy động vốn giá rẻ, nhưng cũng có ngân hàng sẽ phải chật vật hơn vì tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang ở mức cao, buộc phải huy động thêm nhiều hơn, hoặc phải giảm tín dụng, đồng nghĩa giảm tăng trưởng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho rằng: “Mặt bằng lãi suất chung có thể giảm hoặc không nhưng trong các lĩnh vực được ưu tiên có thể giảm. Ví dụ, trong 5 lĩnh vực ưu tiên, Vietcombank chỉ cho vay 6%/năm vì có những nguồn khác bù đắp”. Vietcombank công bố chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2019 là 20.500 tỉ đồng, tăng 12% so với năm trước. Để giảm thêm lãi suất cho một số đối tượng doanh nghiệp, Vietcombank điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận.

Dù chỉ là dự thảo nhưng cũng có thể thấy tư duy quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong vài năm trở lại đây là rất rõ: hạn chế tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản hay tín dụng tiêu dùng. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia lại đánh giá dự thảo thông tư mới là cần thiết cho thị trường hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh nhiều tỉnh thành bắt đầu xuất hiện cơn sốt đất.

Như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, tuy trước mắt gây áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp, nhưng là áp lực lành mạnh, buộc các chủ đầu tư dự án bất động sản phải tìm kiếm nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng.