Ngân hàng trước cánh cửa hội nhập
Bà đánh giá thế nào về các hoạt động nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu của các TCTD vừa qua?
Trước hết, việc mua lại liên tiếp hai NHTMCP với giá 0 đồng, theo cá nhân tôi, là một động thái tích cực nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống NH. Việc này vừa giúp đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và các chủ nợ khác, vừa duy trì niềm tin đối với hệ thống NH. Tất nhiên, sẽ có một vài ý kiến liên quan đến quyền lợi của các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông thiểu số, nhỏ lẻ. Nhưng đặt bên cạnh sự an toàn của cả một hệ thống thì quyết định của NHNN là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, qua hình thức sáp nhập, các NH có thể tăng vốn và mở rộng quy mô lên rất nhanh, tăng khả năng cạnh tranh trước xu thế hội nhập. Phải nói rằng, trước xu thế hội nhập sâu rộng, cạnh tranh về quy mô vốn là điều khó tránh khỏi. Thực tế cho thấy, có nhiều cách để mở rộng quy mô vốn, ví dụ như tăng vốn thông qua chào bán cổ phần cho các cổ đông/đối tác chiến lược; tăng vốn thông qua mua bán sáp nhập (M&A); hay tăng vốn bằng chính nguồn lợi nhuận của mình…
Những năm gần đây, xu hướng mua bán và sáp nhập đang được “thịnh hành” hơn. Thị trường đã chứng kiến nhiều cuộc sáp nhập NH trong 3 năm qua như SHB và Habubank, HDBank và DaiA Bank, BIDV và MHB, VietinBank và PGBank…
Bên cạnh “trào lưu” M&A, một số NH cũng chủ động tìm cách tăng vốn thông qua chào bán cổ phần cho các đối tác chiến lược, trong đó phải kể đến các trường hợp như DongA Bank và MB. Cụ thể, CTCP Kinh Đô đã rót thêm 1.000 tỷ đồng vào DongA Bank, giúp NH này tăng vốn từ 5.000 tỷ đồng lên từ 6.000 tỷ đồng. MB cũng vừa được NHNN cho phép tăng vốn lên 16.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phần…
Tuy nhiên, để NH đi được xa, vốn to quy mô lớn thôi là chưa đủ. Bên cạnh quy mô tổng tài sản, việc đánh giá năng lực cạnh tranh của các NH còn phải được nhìn nhận ở các góc cạnh khác, bao gồm cả tăng trưởng bền vững, khả năng tạo ra lợi nhuận và mức độ nhận diện thương hiệu…
Đặt trong bối cảnh hội nhập AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN - PV), bản thân các NH phải chủ động chuẩn bị nguồn lực để phát triển và cạnh tranh, trong đó không thể không kể đến nền tảng công nghệ và nguồn nhân lực.
Xây dựng một nền tảng và kiến trúc công nghệ thông tin hiện đại hướng đến nhu cầu kinh doanh là một trong những điều kiện tiên quyết, đảm bảo năng lực cạnh tranh cho các NH. Ngoài ra, nguồn nhân lực, đặt trong bối cảnh hội nhập, cũng là một yếu tố mang tính chất quyết định, ảnh hưởng đến sự thành công của các NH.
Không chỉ thể hiện ở chất lượng nguồn nhân lực, được đào tạo bài bản với các kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực NH, mà đặc biệt hơn là ở khả năng giải quyết vấn đề và tầm nhìn của các nhà quản trị NH. Có thể thấy, các NH hiện nay đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của các yếu tố này và đang có những dịch chuyển cần thiết để có thể nâng lên tầm khu vực.
Các NH phải chủ động chuẩn bị nguồn lực để phát triển và cạnh tranh
Trong xu hướng hội nhập, các NH nội cần làm gì để thu hút được nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh, thưa bà?
Việc các NH tận dụng nguồn vốn dồi dào cũng như kinh nghiệm vượt trội của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thông qua chào bán cổ phần thực ra không phải là mới. Ví dụ như các trường hợp Tập đoàn tài chính Mizuho mua cổ phần của Vietcombank; IFC mua cổ phần của VietinBank, HSBC mua cổ phần của Techcombank, Commonwealth of Australia (Úc) mua cổ phần VIB…
Và có thể thấy rằng, sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường NH Việt Nam ngày một gia tăng. Tuy nhiên, xét về nhu cầu thâm nhập thị trường NH của các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như nhu cầu thu hút vốn của các NH nội địa, thì vẫn còn rất nhiều khoảng trống chưa được lấp đầy.
Để có thể nâng cao sức hút, các NH cần phải tạo niềm tin cho các nhà đầu tư bằng cách nâng cao năng lực hoạt động, chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế. Chẳng hạn như các thống kê sổ sách, báo cáo tài chính phải minh bạch và trung thực, hướng đến tinh thần của chuẩn mực quốc tế. Theo đó, dựa trên các khung cơ sở này, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể tự tin để đưa ra được những so sánh và đánh giá đối với tình hình hoạt động và tình hình tài chính của các NH nội; giúp họ nhanh chóng đưa ra được những quyết định đầu tư.
Ngoài ra, các NH còn phải chú trọng đến việc nâng cao khung quản trị rủi ro, đảm bảo NH phát triển một cách an toàn và hiệu quả. Ví dụ như các NH phải nhanh chóng triển khai và áp dụng các quy tắc Basel 2 - thông lệ quốc tế hàng đầu về an toàn trong hoạt động NH. Có như vậy thì mới xây dựng được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về sự phát triển bền vững và thu hút được khả năng đầu tư góp vốn.
Hiện các nhà đầu tư “ngoại” còn băn khoăn về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại NH của Việt Nam. Bà nhìn nhận vấn đề này thế nào?
Khi các nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền ra đầu tư, họ luôn mong muốn nắm được quyền kiểm soát, hay chí ít là có được tiếng nói “đủ trọng lượng”. Do đó, việc băn khoăn về giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần là điều hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, con số này không phải là “rào cản” ảnh hưởng đến sự “mặn mà” của các nhà đầu tư nước ngoài với thị trường NH Việt Nam. Vì như tôi đã đề cập ở trên, với sự hiện diện của các tổ chức nước ngoài ngày càng gia tăng, có thể thấy sức hấp dẫn của thị trường NH vẫn còn lớn.
Khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, các nước sẽ phải mở cửa tất cả các ngành dịch vụ với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%. Nhưng theo tôi, việc các nhà đầu tư nước ngoài có thể nâng tỷ lệ sở hữu lên hay không sẽ do thị trường quyết định.
Cũng cần phải nói thêm rằng, việc nâng tỷ lệ sở hữu dần dần, ngoài việc đảm bảo khả năng giám sát và quản lý của NHNN, cũng có những lợi ích riêng cho bản thân các nhà đầu tư. Đây có thể xem là hành trình tìm hiểu thị trường Việt Nam cũng như đối tác đầu tư, do đó sẽ giúp cho các nhà đầu tư có những quyết định an toàn và hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn Thời báo ngân hàng