Ngân hàng Trung ương Đức hỗ trợ Việt Nam ổn định tài chính
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Vĩnh Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, NHNN cho biết: Kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nội dung “Ổn định tài chính” ngày càng trở nên quan trọng đối với tất cả các quốc gia và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vụ Ổn định tiền tệ tài chính thuộc NHNN đã được thành lập và hoạt động từ năm 2014 với chức năng phân tích, đánh giá và tham mưu đề xuất cho Ban Lãnh đạo NHNN trong việc thực hiện chức năng giám sát và đảm bảo ổn định, an toàn cho hệ thống tài chính ngân hàng.
Thực hiện bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ kỹ thuật giữa Việt Nam và NHTW Đức, những năm qua, NHTW Đức đã triển khai hoạt động hỗ trợ cho NHNN trên nhiều lĩnh vực liên quan đến nghiệp vụ NHTW cũng như thanh tra giám sát ngân hàng.
Trong giai đoạn 2014 – 2015, hai bên nhất trí sẽ triển khai một loạt hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về những nội dung rất thiết thực đối với NHNN mà buổi tọa đàm hôm nay là một ví dụ tiêu biểu. NHNN đánh giá rất cao tính thực tiễn cũng như sự phù hợp của các nội dung được đưa ra tại buổi tọa đàm đối với hoạt động của NHNN. Ông Nguyễn Vĩnh Hưng bày tỏ mong muốn, buổi tọa đàm sẽ là cơ hội để hai bên trao đổi và chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực ổn định tài chính ngân hàng.
Tại buổi tọa đàm, ông Peter Spicker – Cố vấn cao cấp, Ủy ban Ổn định tài chính và Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHTW Đức đã trình bày tham luận về giám sát an toàn vĩ mô trong Liên minh Châu Âu và NHTW Đức. Theo ông Peter Spicker, mục tiêu của chính sách an toàn vĩ mô là nhằm tác động đến hệ thống tài chính và sự ổn định của hệ thống này một cách tổng thể bằng cách sử dụng các công cụ quản lý và giám sát. Nhiệm vụ của giám sát an toàn vĩ mô là phân tích kỹ lưỡng tình trạng rủi ro và ổn định trong một hệ thống tài chính và đưa ra cảnh báo về các rủi ro và mất cân bằng và xác định các hành động cần thực hiện để tránh nguy hiểm.
Phân tích về nhiệm vụ của Ủy ban Rủi ro Hệ thống Châu Âu, ông Peter Spicker cho biết: Ủy ban Rủi ro Hệ thống Châu Âu chịu trách nhiệm giám sát an toàn vĩ mô đối với hệ thống tài chính trong Liên minh Châu Âu nhằm góp phần ngăn chặn hoặc giảm thiểu rủi ro hệ thống đối với sự ổn định tài chính của Liên minh Châu Âu do những diễn biến trong hệ thống tài chính và có tính đến các diễn biến kinh tế vĩ mô; Thiết lập mối liên kết giữa giám sát an toàn vi mô với kinh tế vĩ mô; Đưa yếu tố hệ thống vào giám sát tài chính. Đối với khung chính sách an toàn vĩ mô Châu Âu, các mục tiêu trung gian trong Chiến lược an toàn vĩ mô là giảm thiểu và ngăn ngừa tăng trưởng tín dụng và đòn bẩy tài chính quá mức; Giảm thiểu và ngăn ngừa chênh lệch kỳ hạn và thanh khoản thị trường quá mức; Hạn chế tác động mang tính hệ thống nhằm giảm rủi ro đạo đức.
Trên cơ sở đó, ông Peter Spicker có đề xuất các định hướng chiến lược chính cho các cơ quan an toàn vĩ mô như: Phát triển một chiến lược chính sách; Phát triển một chiến lược truyền thông; Đảm bảo cơ chế hợp tác phù hợp với các cơ quan có thẩm quyền về an toàn vĩ mô; Cải thiện sự sẵn có, chất lượng và khả năng so sánh được của các số liệu được sử dụng cho mục đích an toàn vĩ mô.
Ngoài ra, cố vấn cao cấp Peter Spicker cũng cung cấp những kiến thức bổ ích đến các đại biểu tham dự buổi tọa đàm về quản lý khủng hoảng và mạng lưới an toàn: Cách tiếp cận của Đức đối với ổn định thị trường tài chính; Giám sát các ngân hàng có tầm quan trọng đối với hệ thống tại Đức…
Giáo sư Oliver Kruse – Cố vấn cao cấp, Ủy ban Ổn định tài chính và Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHTW Đức chia sẻ những thông tin liên quan đến khía cạnh ổn định tài chính của hệ thống ngân hàng không chính thức.
Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ NHTW Đức cùng các đại biểu tham gia nghiên cứu tình huống và làm việc nhóm về ổn định tài chính, chính sách an toàn vĩ mô và kiểm tra sức chịu đựng vĩ mô…
Nguồn Theo DVO