Ảnh: TL
Ngân hàng trở lại quỹ đạo
Ảnh hưởng từ chính sách thắt chắt tiền tệ, tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 thuộc diện tăng thấp nhất những năm gần đây. Theo đó, ngành ngân hàng đã có một năm 2018 với nhiều khó khăn, bao gồm: tăng trưởng tín dụng giảm tốc, huy động tiền gửi chậm lại, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) đi xuống... Dù vậy, nhóm các ngân hàng niêm yết vẫn có một năm tăng trưởng khả quan khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 85.000 tỉ đồng, trong đó, thu nhập ngoài lãi đang vươn lên trở thành khoản thu quan trọng. Nhìn về những tháng cuối năm 2018, với xu hướng tăng trưởng bền vững là chủ đạo, thời vận của các ngân hàng đang dần trở lại nếu họ nắm bắt đúng chiến lược về tăng trưởng.
Nợ xấu giảm nhẹ
Do chính sách thắt chặt tín dụng, tỉ lệ tăng trưởng dư nợ cho vay của nhóm ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đạt mức 13,4%. Tình hình giải ngân các khoản vay mới diễn ra khá căng thẳng trong giai đoạn giữa năm 2018 khi nhiều ngân hàng đã sử dụng quá nửa hạn mức tăng trưởng tín dụng, một số ngân hàng đã vượt hạn mức được cấp cho năm nay.
Mặc dù vậy, đã có một số ngân hàng được nới room vào cuối năm khi áp lực lạm phát được giảm bớt, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% sau giai đoạn kiểm soát mạnh tay. Nhóm các ngân hàng nắm thị phần cho vay nhiều nhất, gồm BIDV (mã BID, 22,2%), VietinBank (mã CTG, 20,5%) và Vietcombank (mã VCB, 14,4%).
Theo đà giảm của tăng trưởng tín dụng, tiền gửi huy động cũng tăng chậm lại, đạt 12,1% trong năm 2018. Yếu tố về tín dụng khiến các ngân hàng chịu áp lực không nhỏ. Càng về cuối năm, nhu cầu về vốn của các ngân hàng thương mại càng gia tăng, do cần đáp ứng một số chỉ tiêu về an toàn tài chính. Dẫn đầu thị phần tiền gửi huy động từ năm 2015 liên tục là nhóm 3 ngân hàng quốc doanh (BIDV, VietinBank và Vietcombank) khi chiếm hơn 50% thị phần tiền gửi trong nhóm ngân hàng niêm yết.
Không nằm ngoài ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tiền tệ, tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn ngành suy giảm nhẹ từ 18,7% đầu năm về mức 18,2% vào cuối năm 2018. Trên nhiều phương diện, CASA là yếu tố quan trọng để cải thiện biên lợi nhuận từ lãi và biên lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng do bản chất lãi suất chi phí thấp của nguồn tín dụng này. Nhóm các mã cổ phiếu ngân hàng có tỉ lệ CASA cao gồm: MBB (33,5%), VCB (28%), TCB (27%) - điều góp phần vào tăng trưởng vượt trội của các ngân hàng.
Một tiêu điểm quan trọng khác của ngành ngân hàng là tỉ lệ nợ xấu giảm nhẹ. Theo thống kê nhóm ngân hàng niêm yết, tỉ lệ nợ xấu đã tăng dần từ đầu năm đến cuối quý III nhưng đã giảm trở lại vào quý cuối năm, đạt mức 1,63%. Đối với đề án Basel II, hiện tại đã có 6/10 mã cổ phiếu tham gia thí điểm là VCB, ACB, TCB, MBB, VIB và CTG đã sạch nợ, phần lớn được xử lý bằng quỹ dự phòng.
Đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn trong quản trị rủi ro của Basel II chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, do phải dành nhiều nguồn vốn hơn để dự phòng cho các loại rủi ro, khiến chi phí hoạt động tăng lên. Vì vậy, hầu hết các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trong năm 2019.
Tuy nhiên, theo Phu Hung Securities, do tỉ lệ thu nhập từ lãi (NIM) có xu hướng mở rộng cơ cấu, cùng sự cải tiến của công nghệ thông tin và kiểm soát rủi ro chặt chẽ, tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ trở nên bền vững hơn. Ngoài ra, chuẩn Basel II cũng định hình lợi nhuận nhóm ngân hàng trở nên bền vững an toàn hơn, khi chỉ số an toàn vốn được đề cao theo chuẩn quốc tế. Trên cơ sở đó, một số mã cổ phiếu ngân hàng có chiến lược sắc nét trong tương lai gồm VCB, TCB và ACB.
Với vị thế là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên được áp dụng tiêu chuẩn Basel II trước thời hạn, Vietcombank nhiều khả năng sẽ nhận được cơ chế riêng, trong đó room tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn. Theo dự phóng của PHS, Vietcombank có thể đạt 23.500 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 28%.
Techcombank với mô hình hoạt động riêng biệt, khai thác hệ sinh thái khách hàng với lõi là các doanh nghiệp lớn, đồng thời áp dụng công nghệ vào hoạt động cốt lõi. Bên cạnh đó, thu từ hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Ghi nhận tăng trưởng mạnh nhất, ACB đã có một năm thành công khi lợi nhuận trước thuế đạt 6.389 tỉ đồng (tăng 140%), vượt 12% kế hoạch. Tăng trưởng danh mục cho vay khách hàng cũng tăng mạnh ở mức 16,1%, lợi nhuận trước thuế của ACB tăng mạnh ngoài việc nguồn thu gia tăng, còn là do Ngân hàng đã giảm thiểu được chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (vì đã gần như xử lý hoàn toàn nợ xấu từ VAMC).
Các ngân hàng như TPBank và VPBank cũng đạt được một số kết quả nhất định. Năm 2018, doanh thu của VPBank là 49.463 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 9.198 tỉ đồng (tăng trưởng 13,1%). Thu nhập mỗi cổ phần (EPS) của VPBank trong quý I ước đạt 2.724 đồng/cổ phiếu, với tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 4,01. Tại TPBank, doanh thu năm 2018 đạt 10.387 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.257 tỉ đồng (tăng trưởng 87,3%). EPS của TPBank trong quý I/2019 ước đạt 2.827 đồng/cổ phiếu, tốc độ tăng trưởng là 2%.