Thiên Phong Thứ Tư | 04/04/2018 08:30

Ngân hàng tìm trợ lực vốn ngoại

Các ngân hàng chọn năm 2018 là “điểm rơi” hút hàng tỉ USD để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, họ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt lẫn nhau vì không có nhiều cái tên mới đến từ khối ngoại.

Số tiền 370 triệu USD là thương vụ mở màn cho một năm mua bán và sáp nhập (M&A) sôi động trong lĩnh vực ngân hàng. Đó là số tiền mà Warbug Pincus, công ty quản lý quỹ quyết định rót vào Techcombank, ngân hàng đang có tốc độ tăng trưởng xếp vào nhóm cao nhất trong số các ngân hàng hiện nay.

Cái tên của nhà đầu tư ngoại này cũng không xa lạ với Việt Nam. Warbug Pincus trước đó còn đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ với thương vụ Vincom Retail và gần đây là thiết lập liên doanh với Becamex, doanh nghiệp đầu ngành ở Bình Dương. Không chỉ có Techcombank, từ giữa năm ngoái, đã có rất nhiều ngân hàng tư nhân tìm kiếm dòng vốn ngoại. Chẳng hạn, VPBank huy động thêm 300 triệu USD từ cổ đông ngoại từ phương án chào bán sổ sách. Tương tự, cuối năm 2017 là HDBank, ngân hàng này thu về hơn 300 triệu USD từ việc bán cổ phần cho 76 nhà đầu tư nước ngoài (sở hữu 21,5% cổ phần hiện hữu).

Nếu như VPBank và HDBank năm ngoái kiếm vốn từ các nhà đầu tư ngoại với tỉ lệ sở hữu thấp, thì nhiều ngân hàng khác tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chấp nhận bỏ ra số tiền khổng lồ. Như Vietcombank dự kiến tiếp tục đẩy nhanh việc phát hành thêm 10% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, trong đó cái tên tiềm năng được nhắc đến là quỹ đầu tư GIC (Singapore). Thương vụ này kéo dài từ năm 2016 vì vướng mắc về giá và được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm nay.

Bên cạnh đó, thông tin bên lề khác chưa được các bên xác nhận là thương vụ giữa BIDV và Ngân hàng KEB thuộc Tập đoàn Tài chính Hana (Hàn Quốc). Dự kiến, BIDV sẽ phát hành cổ phần cho đối tác Hàn Quốc để tăng vốn. Trước đó, vào tháng 8.2017, BIDV đã ký một thỏa thuận sơ bộ với KEB Hana Bank. Vậy đâu là lý do khiến các quỹ đầu tư ngoại liên tiếp đổ vốn vào Việt Nam? Nói như ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPBank, trong kỳ đại hội cổ đông mới diễn ra gần đây, đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng tăng vốn và cơ hội có thể qua đi bất kỳ lúc nào.

Trong bối cảnh bán lẻ và xây dựng tiếp tục lên ngôi, ngành ngân hàng đang trở lại một cách mạnh mẽ. Thông cáo chung từ Warburg Pincus và Techcombank nhắc đến một thị trường mà tổng số dư cho vay cá nhân trong giai đoạn 2013-2016 đã tăng gấp 3 lần, trong khi tầng lớp người thu nhập khá và thu nhập cao đang có rất nhiều nhu cầu đối với các sản phẩm như vay mua nhà, vay mua xe và thẻ tín dụng.

Gần đây, trong khi Vietcombank bị nhiều người “phản đối” trong chính sách điều chỉnh thu phí, Techcombank lại được “quảng bá” miễn phí với chính sách “zero fee” khi giao dịch qua kênh internet banking của mình. Xét về hiệu quả tài chính, các con số của ngân hàng chuẩn bị niêm yết này cũng hết sức đáng chú ý. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank năm ngoái đạt hơn 8.000 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 49%. Còn tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình (ROE) và lợi nhuận trên tài sản trung bình (ROA) lần lượt là 23,84% và 2,09%, không bao gồm thu nhập bất thường.

Không chỉ có Techcombank, 2017 là một năm kinh doanh hiệu quả của các ngân hàng với các con số tăng trưởng mạnh mẽ. Vì vậy, không lạ gì khi các hoạt động M&A đón đầu ngày càng sôi nổi hơn. Trên thị trường chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng đều có sự tăng giá đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng giá đến 56% trong năm ngoái so với VN-Index chỉ 48%. Còn tính đến thời điểm này, cổ phiếu Vietcombank lên tới hơn 72.000 đồng/cổ phiếu, hay VPBank có phiên vượt lên trên 64.000 đồng/cổ phiếu, liên tục phá vỡ những mốc giá kỷ lục từ khi ngân hàng này lên sàn chỉ ở mức 39.000 đồng/cổ phiếu.

Dù vậy, những con số trên chưa là gì so với giá cổ phiếu Techcombank, hiện trên thị trường không chính thức, đã được rao tới 100.000 đồng/cổ phiếu, một mức tăng giá chóng mặt. Trên thực tế, giá cổ phiếu khối ngân hàng tư nhân thường tăng mạnh mỗi khi chuẩn bị lên sàn. Thống kê của Công ty Chứng khoán SSI cũng cho biết, giá cổ phiếu của VPBank cũng đã tăng gấp 3 lần so với trước khi niêm yết.

Giá cổ phiếu tăng vọt cho thấy sự quan tâm của giới đầu tư vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhưng suy cho cùng, đó cũng là hệ quả của những thương vụ dự đoán M&A sắp diễn ra của các ngân hàng nói chung.

Rất nhiều ngân hàng đưa ra lộ trình tăng vốn cho mình và thị trường chứng khoán đang “ấm” là thời điểm thực sự thuận lợi. Ngay cả VPBank hiện đang chịu áp lực tăng vốn mạnh để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội cổ đông thông qua đó là tăng vốn điều lệ từ mức 15.706 tỉ đồng lên thêm khoảng 12.000 tỉ đồng trong năm nay, đưa vốn điều lệ lên mức gần 27.800 tỉ đồng. Phương thức tăng vốn bao gồm chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP). Sau khi làm tất cả những phương án trên, VPBank sẽ bán tiếp 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Trên thực tế, cổ đông VPBank năm nay có lẽ sẽ rất vui mừng vì mức chia thưởng cổ phiếu cao (tỉ lệ lên đến 67%), nhưng vẫn chỉ bằng cổ phiếu, chứ không phải tiền mặt. Quan điểm của VPBank vẫn là dồn vốn để tăng trưởng, tương tự như Techcombank nhiều năm nay không chia cổ tức.

Tăng vốn cũng đang là kế hoạch của nhiều ngân hàng khác dự kiến sẽ trình đại hội cổ đông trong năm nay. Như VIB sẽ trình kế hoạch tăng vốn nhưng không nhắc đến vấn đề tìm kiếm cổ đông ngoại; hiện tại cổ đông chiến lược của VIB vẫn là CBA (sở hữu 20%). Năm nay cũng sẽ có thêm nhiều ngân hàng khác tăng vốn, thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu.

Ngan hang tim tro luc von ngoai
 

Trên thực tế, các ngân hàng đang khát vốn, không chỉ phục vụ tăng trưởng mà còn để đảm bảo các chỉ số an toàn. Những ngân hàng nhắc đến trên đây đều là những ngân hàng sẽ thực hiện Basel II thí điểm trong năm nay. Báo cáo kế hoạch ghi rõ VPBank dự kiến sẽ dùng 8.500 tỉ đồng cho một số nhu cầu như tăng trưởng nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng và để tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn, an toàn hoạt động. Ước tính của SSI ở 14 ngân hàng, bao gồm cả nhóm ngân hàng nhà nước và tư nhân tăng vốn trong năm 2018 sẽ vào khoảng 3,07 tỉ USD.

Năm 2018, hầu như ngân hàng nào cũng đều đặt mục tiêu cao trong năm nay. VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 33%, trong khi VIB là 45%. Cuộc chơi bắt đầu từ việc kiếm thêm nguồn vốn.

Bản thân các ngân hàng sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh vốn với nhau để làm đẹp hơn trong con mắt các nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, có thể nhận thấy những cái tên rót vốn hiện nay đều khá quen thuộc và am hiểu thị trường tài chính Việt Nam. Trong khi đó, những cái tên nhà đầu tư hoàn toàn mới trên thị trường Việt Nam sẽ còn phải tốn thời gian để thuyết phục họ rót vốn.

Một yếu tố quan trọng để thu hút cổ đông ngoại tất nhiên là tiềm năng tăng trưởng của các ngân hàng đi cùng những lợi thế nhất định của mình. Với nhóm ngân hàng tư nhân, điểm mạnh rõ ràng tùy thuộc vào sự “năng động” của từng ông chủ.  Techcombank sở hữu bởi nhóm cổ đông Masan, cũng là một “tay chơi” tài chính lão luyện trên thị trường, trong khi HDBank có “thương hiệu” nữ tỉ phú đầu tiên Nguyễn Thị Phương Thảo với nhiều công ty khác nhau trong hệ sinh thái.

Trong khi đó, VPBank sở hữu FE Credit và dấn sâu vào phân khúc cho vay có mức độ rủi ro cao, nhưng đóng góp đến hơn một nửa lợi nhuận cho ngân hàng. Các hoạt động gọi vốn tất nhiên sẽ đơn giản và thuận lợi hơn nhiều so với các ngân hàng khác