Ngân hàng tìm đối tác để tái cơ cấu
Do yếu kém, 4 ngân hàng nhỏ là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân Hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUSTBank) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) đang chạy đua với thời gian tái cấu trúc để có thể tồn tại và phát triển vững mạnh.
Theo thông tin chính thức từ HĐQT của TRUSTBank, ngân hàng này sẽ sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân trong nước để tái cơ cấu mà không sử dụng vốn ngân sách. Đây là điểm cốt yếu trong chiến lược tái cấu trúc của TRUSTBank nhằm nỗ lực chủ động giải quyết ổn thỏa các vấn đề nội tại, không trông chờ vào sự “cứu trợ” của Ngân hàng Nhà nước.
Thế nhưng, không phải tất cả ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu đều có thể tự lực tái cơ cấu như TRUSTBank mà họ phải chọn phương án mua bán và sáp nhập (M&A). Western Bank đã chọn phương án sáp nhập vào Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC).
Phương án này vừa được Chính phủ đồng ý. Theo HĐQT của Western Bank, trong 6 tháng cuối năm 2012, ngân hàng này đã tích cực tái cấu trúc tài sản, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, do vậy đã kiểm soát được tỉ lệ nợ xấu trong ngưỡng cho phép.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà băng nhỏ, yếu kém rất khó thu hút cổ đông góp vốn. Vì thế, M&A là chiến lược dễ thực hiện để tái cơ cấu. Khi còn thời gian, các ngân hàng yếu kém phải tự tìm đối tác để M&A, còn không thì Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp mạnh vào việc tái cấu trúc của họ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết có nhiều ngân hàng TMCP báo cáo có lãi nhưng qua thanh tra làm rõ thực tế là lỗ, giảm vốn chủ sở hữu, thậm chí không còn vốn điều lệ… Do đó, trong thời gian tới, việc tái cơ cấu được xem là nóng đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng nên làn sóng M&A cũng sẽ sôi động.
Navibank cho biết ngân hàng này đã có phương án tự tái cơ cấu trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ. Nhưng Navibank có tự tái cấu trúc được không? Báo cáo tài chính cho thấy tính đến ngày 30-9-2012, Navibank có vốn điều lệ 3.010,2 tỉ đồng nhưng theo kết quả thanh tra từ Ngân hàng Nhà nước thì ngân hàng này nằm trong danh sách các ngân hàng có vốn điều lệ dưới mức quy định tối thiểu (3.000 tỉ đồng).
Sau khi yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro bổ sung bởi nợ xấu tăng, tài sản bảo đảm chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, dự phòng các khoản tiền gửi liên ngân hàng… thì vốn chủ sở hữu thực của Navibank chỉ còn lại 2.513 tỉ đồng, thấp hơn mức quy định.
(Theo Người lao động)