Thứ Sáu | 07/11/2014 12:42

Ngân hàng thương mại không được ủy thác, nhận ủy thác cho thuê tài chính

NHNN vừa ban hành thông tư quy định hoạt động ủy thác, nhận ủy thác của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định cụ thể hoạt động được phép, không được phép ủy thác, nhận ủy thác với mỗi loại hình tổ chức.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành thông tư quy định về ủy thác và nhận ủy thác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện ủy thác, nhận ủy thác theo quy định tại thông tư này đối với các hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, góp vốn, mua cổ phần, đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh, mua trái phiếu doanh nghiệp.

Thông tư này đối với đối tượng ủy thác, bên ủy thác chịu mọi rủi ro, bên nhận ủy thác được hưởng phí ủy thác. Đối tượng ủy thác là đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn ủy thác, bao gồm cá nhân, tổ chức, kể cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là khách hàng vay vốn, thuê tài chính; doanh nghiệp, tổ chức tín dụng nhận góp, phát hành trái phiếu, cổ phiếu; dự án sản xuất, kinh doanh.

Ủy thác phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bên nhận ủy thác không được ủy thác lại cho bên thứ ba. Việc giao vốn ủy thác phải phù hợp với tiến độ thực hiện nội dung ủy thác.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện ủy thác và nhận ủy thác khi có đầy đủ các điều kiện sau: hoạt động ủy thác, nhận ủy thác phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động; Có quy định nội bộ về quản lý hoạt động ủy thác và nhận ủy thác, trong đó có nội dung về nhận dạng, đo lường và quản lý các rủi ro của hoạt động ủy thác và nhận ủy thác phù hợp với tính chất, quy mô hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều kiện thứ ba là hoạt động ủy thác và nhận ủy thác phải được quản lý rủi ro bởi một bộ phận quản lý rủi ro. Bên nhận ủy thác phải có cơ sở vật chất, mạng lưới và đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật để đảm bảo thực hiện nội dung ủy thác.

Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân để thực hiện đầu tư vào dự án sản xuất, kinh doanh, cho thuê tài chính, cho vay, ngoài 4 điều kiện quy định trên phải đảm bảo tại thời điểm ủy thác, bên ủy thác là tổ chức, cá nhân không có dư nợ vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư quy định 6 trường hợp không được ủy thác, nhận thác. Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được ủy thác, nhận ủy thác cho vay với đối tượng ủy thác thuộc các trường hợp không được cấp tín dụng quy định tại Điều 126, 127 Luật các tổ chức tín dụng và quy định của NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được ủy thác, nhận ủy thác cho thuê tài chính.

Tổ chức tín dụng, trừ ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần. Ngân hàng thương mại không được ủy thác, nhận ủy thác góp vốn, mua cổ phần đối với các đối tượng ủy thác thuộc các trường hợp không được góp vốn, mua cổ phần theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và quy định của NHNN.

Tổ chức tín dụng, trừ công ty tài chính, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được ủy thác, nhận ủy thác đầu tư và dự án sản xuất, kinh doanh. Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được ủy thác, nhận ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được ủy thác, nhận ủy thác mua trái phiếu cảu tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác.

Thông tư cũng quy định các trường hợp được ủy thác, nhận ủy thác đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Về hạch toán, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên ủy thác thực hiện hạch toán nội bảng đối với số vốn ủy thác để thực hiện hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, đầu tư vào dự án sản xuất kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu doanh nghiệp cho bên nhận ủy thác theo quy định của pháp luật kế toán. Bên nhận ủy thác thực hiện hạch toán ngoại bảng đối với số vốn nhận ủy thác đã cho vay, cho thuê tài chính, đầu tư vào dự án sản xuất kinh doanh, góp vốn, mua cổ phần, mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về kế toán.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2015. Thay thế Thông tư số 04/2012/TT-NHNN của NHNN và mục II Thông tư số 05/2006/TT-NHNN.


Theo DVO/SBV