Ngân hàng thừa vốn, thiếu người vay
Ngày 17-4, Vietcombank giảm lãi suất (LS) huy động lần thứ hai kể từ cuối tháng 3. Theo đó, LS huy động kỳ hạn trên 12 tháng giảm chỉ còn 9%/năm thay vì 9,5%/năm như trước.
Huy động nhiều nhưng người vay vắng bóng
Các NH đồng loạt giảm LS vì không tìm được đầu ra. Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, nói phải giảm LS huy động vì NH huy động nhiều mà không cho vay được. Gần bốn tháng đầu năm 2013, tín dụng tại Vietcombank vẫn âm 1% so với cuối năm 2012, tương đương 7.000-8.000 tỉ đồng.
“Vấn đề hiện nay là bài toán cầu vì nguồn vốn NH dồi dào, so với những năm trước LS cho vay cũng không còn cao nữa nhưng nhu cầu vay không có nên việc tìm kiếm khách hàng mới, nếu có, chỉ có thể là hạ LS để giành giật nhau” - ông Thanh nói. Cũng theo ông Thanh, hiện LS cho vay đã về mức 7-8%/năm, gần ngang với mức LS huy động, nhưng phát triển tín dụng rất khó.
Lãnh đạo Eximbank cho rằng LS thấp mà doanh nghiệp (DN) không vay được là vấn đề lớn của nền kinh tế. Các NH đang đứng trước một bài toán rất nan giải: một mặt phải tiếp tục huy động, mặt khác phải giải quyết vốn ra cho nền kinh tế.
Trong ba tháng đầu năm, NH đã đưa ra rất nhiều chương trình cho vay với LS thậm chí chỉ 7-8%/năm đối với các khách hàng tiềm năng. Đây là mức LS rất thấp bởi chi phí huy động vốn của các NH thực tế cao hơn 8%/năm.
Số liệu của NH Nhà nước TP.HCM cho thấy đến cuối tháng 3 dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM mới chỉ tăng 0,26%, trong khi huy động vốn đã tăng 2,5% so với cuối năm 2012. Ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị OCB, nói khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu, các dự án đầu tư phát triển sản xuất đều tạm dừng vì khó khăn. Nhu cầu vay tiêu dùng của cá nhân cũng ít. Do vậy huy động vốn tăng nhưng tín dụng tăng không bao nhiêu. Từ đó bản thân NH cũng phải co kéo, không còn đặt nặng chỉ tiêu huy động như trước, đồng thời tìm phân khúc phù hợp để cho vay.
Ông Đỗ Minh Toàn, tổng giám đốc ACB, thừa nhận việc NH dư vốn là có, nhưng chỉ là cục bộ những NH lớn. Những NH lớn mang tiếng là thừa vốn nhưng chỉ dư vốn cho vay ngắn hạn, thiếu nguồn vốn cho vay trung và dài hạn. Trong khi đó nhu cầu DN rất cần vốn dài hạn để cơ cấu lại nguồn nợ cũ, đồng thời giãn thời gian trả nợ để bớt áp lực nhưng NH không thể cho vay dài hạn được vì bị khống chế tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn không được quá 30%.
Đổ vốn vào trái phiếu chính phủ
Tín dụng tăng quá chậm, từ đầu tháng 4 đến nay nhiều NH đưa ra hàng loạt chương trình cho vay LS thấp để kích cầu, trong đó nhắm đến cả đối tượng khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh. Tại ACB, nếu vay từ 300 triệu đồng, khách hàng được chọn mức LS 10,99%/năm cố định trong ba tháng hoặc 12,99%/năm cố định trong 12 tháng. NH cũng giảm LS cho các khoản vay cũ đang còn LS cao về mức 14,99%/năm. Vietcombank dành 5.000 tỉ đồng cho vay LS 11%/năm cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay mua nhà dự án hoặc sản phẩm hợp tác với các chủ đầu tư bất động sản. Sacombank dành 4.200 tỉ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, xây, sửa chữa nhà...
Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết phải đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân do hiện nay khó cho vay DN. Hiện nhóm khách hàng DN tiềm năng chỉ nằm ở nhóm DN dầu khí, điện lực, khai thác khoáng sản. Đây là những ngành mà DN còn làm ăn được, nhưng để kéo được khách hàng dạng này NH buộc phải đưa ra mức LS cho vay rất thấp, có trường hợp chỉ còn 6-7%/năm.
Cho vay khó khăn, LS liên NH xuống thấp, nhiều NH đổ vốn vào trái phiếu chính phủ. Tổng huy động trái phiếu chính phủ qua kênh đấu thầu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội trong quý 1 tăng hơn 11.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2012, đạt 62.852 tỉ đồng. Trong đó, các NH thương mại trong nước mua hơn 80%, tương đương 50.000 tỉ đồng.
Theo các NH, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng khó khăn, cho vay liên NH lãi suất chỉ còn 3-4%/năm thì mua trái phiếu chính phủ với mức LS hiện nay là một lựa chọn tốt, vì sau này các NH nắm trái phiếu có thể tiếp cận thị trường mở, vay tái cấp vốn của NH Nhà nước để lấy vốn kinh doanh. Tuy nhiên, đem tiền đi mua trái phiếu chính phủ cũng chỉ là giải pháp tạm thời, quan trọng là phải đẩy vốn ra nền kinh tế.
Ông Nguyễn Phước Thanh kiến nghị câu chuyện tăng trưởng tín dụng không còn nằm ở vấn đề LS, mà phải làm sao để tạo cầu cho nền kinh tế. Hiện nay nhu cầu của DN, người dân tắc vì nợ xấu, tồn kho. Để tạo cầu cho thị trường, Nhà nước cần xem xét đầu tư trở lại nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Đó chính là mấu chốt vấn đề vì tiêu dùng nhà nước sẽ góp phần tạo động lực cho xã hội, kéo theo tiêu dùng DN, người dân, giúp giải phóng hàng tồn, tái tạo sản xuất.
(Theo TT)