Thứ Tư | 14/05/2014 07:53

Ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh

Trong khi các DN vẫn than khó tiếp cận nguồn vốn thì ngân hàng vẫn ca điệp khúc thừa tiền.
DN 'chết' vì ngân hàng quá thận trọng

Theo thông tin trên tờ Tuổi trẻ, mới đây trong buổi làm việc giữa đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM với NH Nhà nước TP.HCM và các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn cho thấy một tình hình không mấy chuyển biến đó là nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn trong tình trạng xấu đi còn ngân hàng lại không dám buông tiền.

Đại diện của Agribank TP.HCM nói thẳng: "nhiều DN đã ở tình trạng “ngáp ngáp”, nếu ngân hàng không bơm vốn sẽ chết. Nhưng nếu NH bơm vốn thì không đảm bảo tất cả đều phục hồi mà có thể có DN sống, có DN chết. Hơn nữa, nhóm DN này không đủ chuẩn cho vay, nếu NH bơm vốn là sai về mặt cơ chế, rất rủi ro cho NH. “Dù rất muốn nhưng NH không dám cho những DN này vay vì trong điều kiện hiện nay phải hết sức thận trọng”, ông này nói.

Ông Đỗ Duy Hưng, tổng giám đốc NH Bản Việt, nói: dù rất muốn cho vay ra nhưng thời gian qua nhiều DN sử dụng đồng vốn vay quá dễ dãi, không theo đúng phương án, từ đó dẫn đến mất cân đối dòng tiền, lâm vào khó khăn. Mà NH thẩm định thấy DN đầu tư lan man thì không dám cho vay chứ thực tế NH không quá cầu toàn. DN chỉ cần đạt 6-7 điểm là NH sẵn sàng cho vay rồi.

Theo ông Hưng: “Hiện lãi suất cho vay bình quân của NH là 10,58%/năm, trong khi bình quân giá vốn là 6,52% và như vậy cho vay trung - dài hạn NH gần như không có lãi. Tuy nhiên, NH chấp nhận lợi nhuận giảm để giữ khách hàng, còn hơn giữ vốn mà không cho vay ra”.

Đồng nghĩa với khó khăn về nguồn vốn, số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch & Đầu tư về số doanh nghiệp 'chết' cũng tăng theo.

Theo đó trong tháng 2/2014, cả nước có 4.830 doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động, đưa tổng số đơn vị lũy kế từ đầu năm lên 13.800, cao hơn mức 8.600 cùng kỳ năm ngoái.

Con số này cũng lớn hơn số doanh nghiệp xin gia nhập thị trường trong hai tháng đầu năm (11.000 đơn vị, với tổng vốn gần 63.000 tỷ đồng).

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng 'ngáp ngáp' vì thiếu vốn
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng 'ngáp ngáp' vì thiếu vốn


Làn sóng đầu tư của Trung Quốc, Đài Loan

Trong khi DN trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn thì làn sóng DN ngoại đổ dồn vào Việt Nam khiến các DN trong nước không khỏi e ngại.

Cụ thể mới đây các DN Trung Quốc đầu tư 1.400 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt tại Nam Định.

Trên TBKTSG đại diện Vinatex cho biết lý do là doanh nghiệp Trung Quốc rất nhanh nhạy trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, đặc biệt khi thuế suất xuất khẩu may mặc của Việt Nam được đưa xuống 0% khi vào Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam trong các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông này dự đoán, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc sẽ tập trung chủ yếu vào ngành may mặc, ngành dệt nhuộm cũng sẽ có nhưng sẽ không nhiều. Vì vậy việc này sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam khó khăn hơn trong cạnh tranh khi có hiệp định TPP.

Trong khi đó, hiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp may mặc Việt Nam rất yếu, vì chủ yếu vẫn là gia công và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

TS Alan Phan từng lý giải về làn sóng đầu tư này là do Trung Quốc đang tìm con đường để đầu tư do kinh tế Trung Quốc được dự báo là không có gì khả quan so với năm ngoái.

"Họ có sẵn tiền để đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam là nước láng giềng kế bên cũng giống như Việt Nam khi có sẵn tiền sẽ mang sang các nước như Lào, Campuchia, Myanmar để đầu tư. Tức là đầu tư ở nước gần trước", TS Alan Phan nói.

TS Lê Đăng Doanh cũng giải thích lý do việc doanh nghiệp Trung Quốc tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước ngày càng nhiều vì nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng khó khăn về mặt tài chính, để cải thiện tình hình đó một số doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa sở hữu, bán một phần vốn cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh lo ngại, sau một thời gian công ty sẽ biến thành công ty Trung Quốc, không còn là công ty Việt Nam nếu như họ mua được nhiều cổ phần và chiếm đa số ghế trong hội đồng quản trị.

"Đây là điều đáng chú ý vì chúng ta là nước láng giềng với Trung Quốc nếu để công ty Trung Quốc thao túng rất có thể thành công cụ cho một chính sách để gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát thị trường ở nước ta”, TS Lê Đăng Doanh nói.

Nguồn Đất Việt Online


Sự kiện