Ngân hàng “thừa” 110 nghìn tỷ đồng vốn vàng
Vốn hệ thống đang dư thừa. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ một con số cụ thể nào đong đếm mức độ dư thừa như thế nào được công bố.
Thực ra, một phần lớn vốn của các ngân hàng đang bị chôn đi ở những góc không hẳn khuất, thấy trước mặt mà không dùng được hoặc đang bận làm nhiệm vụ khác.
Vốn thừa, không cho vay ra được, nhưng không thể hạ thấp lãi suất huy động để giảm chi phí. Một là, ngân hàng vẫn ám ảnh nỗi lo bẫy thanh khoản. Hai là, vẫn phải giữ chân người gửi tiền và cạnh tranh thị phần. Tình thế này giải thích vì sao lợi nhuận của họ vẫn trong xu hướng sụt giảm, chênh lệch lãi suất huy động - cho vay xuống thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đáng kể hơn, nhà băng vẫn phải tăng cường huy động để phủ lên khoảng trống tiền đã cho vay nhưng không đòi về được, hay còn gọi là nợ xấu.
Với tỷ lệ nợ xấu có trong thời gian qua, về tổng thể, cứ 100 đồng huy động để cho vay trước đây thì có trên dưới 10 đồng không/chưa trở về. Tiền gửi đến hạn thì phải trả, để có đủ 100 đồng, ngân hàng phải dùng lợi nhuận, mà khi không đủ thì đành dùng cả vốn tự có bù vào.
Thời gian qua, có những trường hợp, việc phải bù này đã ăn sâu vào vốn điều lệ. Họ vẫn phải hoạt động. Vốn điều lệ có hạn, lại gắn với những hệ số an toàn trong hoạt động, để tránh rơi sâu vào cái hố đã bị hụt đi đó, vẫn phải cố khỏa lấp bằng đẩy mạnh huy động, dùng của người sau trả cho người trước, tìm cách kinh doanh...
Để đẩy mạnh huy động, cạnh tranh vẫn là lãi suất. Một, hai, ba trường hợp…, nếu càng nhiều thành viên nhóm này, áp lực cạnh tranh huy động càng lớn đối với những ngân hàng lành lặn, thậm chí đang dư thừa vốn. Thế nên, huy động vẫn tăng trưởng tốt, nhưng kỳ thực một phần nó che đậy cho phần vốn trước đây đang kẹt ở nợ xấu, chứ không hẳn là quá dư thừa.
Ở một góc khác, theo ghi nhận, vốn của các ngân hàng không hẳn là đang quá dư thừa, mà đang phải bù đắp cho phần hụt đi từ vàng.
Tháng 8/2011, thị trường có thông tin ở kênh chính thức cho biết, có gần 100 tấn vàng của người dân đang nằm trong hệ thống ngân hàng, ở dạng tiết kiệm. Tính một cách tương đối, quy mô này trên dưới 110 nghìn tỷ đồng. Một phần vốn ngân hàng “dư thừa” hiện nay là nằm ở đây.
Cuối năm 2012 cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước chốt lại huy động vàng, chuyển sang dạng giữ hộ và thu phí, vàng bị đẩy ra ngoại bảng. Cứ cho là 110 nghìn tỷ đồng từ vàng nói trên, nay các ngân hàng thương mại không còn được tính vào vốn huy động, cũng không được dùng để làm gì. Bị hụt đi phần lớn là thế, họ phải tăng huy động VND để bù đắp. Vốn VND tưởng như dư thừa nhiều, nhưng thực chất là một sự thế chỗ cho vốn vàng.
Một phần liên quan nữa là, vốn VND huy động được nhiều nhưng không quá dư thừa để cho vay, vì nó còn phải gánh trọng trách của vốn vàng để lại, dùng để kê cho các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động, gắn với quy mô vốn huy động. “May mắn” là cung tiền vẫn tăng trưởng cao trong năm 2012 và trong quý I/2013, để còn tạo điều kiện cho các ngân hàng bù đắp sự ra đi của vàng.
Vấn đề còn lại là, khoảng 110 nghìn tỷ đồng vốn vàng đó đã bị loại khỏi cuộc chơi, có nên tranh thủ nó, huy động nguồn lực của nó cho sản xuất kinh doanh với tư cách là một nguồn vốn, và tranh thủ như thế nào? Đây lại là một câu hỏi cũ.
Nguồn Vneconomy