Thứ Tư | 24/04/2013 16:05

Ngân hàng thận trọng tăng trưởng

Mùa đại hội cổ đông đang diễn ra với bức tranh chung của khối ngân hàng là chỉ tiêu kinh doanh 2013 khá thận trọng, với kế hoạch lợi nhuận thấp hơn so với năm trước trong khi trích lập dự phòng tăng lên và nỗ lực khống chế nợ xấu ở mức thấp.

Trong báo cáo gửi cổ đông, ngân hàng Quân đội (MB) đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, giữ tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2,5%. Nhằm tăng năng lực tài chính, MB cũng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỉ đồng theo lộ trình đã công bố. Nhìn lại năm 2012, đây cũng là một trong số ít ngân hàng đạt kết quả kinh doanh khả quan. Mặc dù lợi nhuận chỉ hoàn thành 84% kế hoạch, nhưng tăng trưởng tín dụng đạt đến 27%, trong khi đó tỷ lệ nợ xấu được khống chế ở mức 1,84%. Đây cũng là ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ với hơn 2.000 tỉ đồng.

Sacombank đưa ra chỉ tiêu vốn huy động và tăng trưởng tín dụng 12% so với năm trước, nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức trên 9% và kiểm soát nợ xấu dưới 3%. Năm 2012 trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng này gấp hơn ba lần năm trước, kéo mức lợi nhuận trước thuế xuống chỉ bằng 39% kế hoạch và giảm 52%. Hay Vietinbank lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 5%, dư nợ cho vay và đầu tư tăng 13%, vốn huy động tăng 10% và nợ xấu cũng dưới 3%. Cá biệt, Vietcombank lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2013 chỉ 0,6% song song với mục tiêu tái cơ cấu các công ty con nhằm tăng hiệu quả hoạt động. Năm 2012 tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank chỉ 1,17% so với năm 2011, hoàn thành 88% kế hoạch năm và nợ xấu ở mức 2,4%.

Áp lực giải ngân vốn

Chính sách kiểm soát tăng trưởng tín dụng thận trọng cũng gây áp lực lên các ngân hàng cấu trúc lại hoạt động kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong quý 1 tăng 0,03% trong khi vốn huy động tăng 3,86%. Đợt cắt giảm lãi suất điều hành từ 0,5 – 1 điểm phần trăm cũng chưa mang lại tín hiệu khả quan. Vốn huy động tăng cao trong khi tín dụng không theo kịp khiến các ngân hàng loay hoay tìm đầu ra. Bên cạnh đó, những khó khăn từ phía doanh nghiệp cũng khiến tiềm ẩn rủi ro nợ xấu tăng cao tại các ngân hàng. Bài toán cân bằng giữa nợ xấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trở nên khó khăn hơn, kéo theo cạnh tranh trên thị trường ngân hàng cũng gắt gao hơn.

Đại diện MB chia sẻ, việc phối hợp chặt chẽ giữa chiến lược năm năm giai đoạn 2011 – 2015 và thực hiện mục tiêu kinh doanh hàng năm là cơ sở để MB vượt qua những khó khăn chung trong năm 2012. Ở giải pháp cụ thể, các ngân hàng bắt đầu triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất hơn, được xem như “quân bài” giúp ngân hàng vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vừa lựa chọn được khách hàng tốt trong bối cảnh cạnh tranh tín dụng hiện nay. MB với các gói ưu tiên tín dụng cho xuất khẩu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ; tín dụng lãi suất thấp cho doanh nghiệp nhỏ, cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo… Các gói cho vay tiêu dùng cá nhân, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể… của ACB, VIB, MSB… dần góp phần kéo lãi suất xuống ở mức khoảng 8 – 11%/năm.

Các ngân hàng đang chuyển dần sang hướng phát triển khách hàng có chọn lọc hơn và ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm phi tín dụng. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, họ đã linh hoạt hơn về điều kiện đảm bảo tín dụng, đặc biệt là với doanh nghiệp sản xuất. “Chỉ cần thẩm định dự án khách hàng hiệu quả, một số điều kiện khác chưa đáp ứng, chúng tôi cùng tìm cách tháo gỡ để cung vốn, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp sản xuất và trả nợ; thay vì tiêu chí trước đây dựa chủ yếu vào tài sản thế chấp hay bất động sản đảm bảo”, vị này chia sẻ.

Tăng năng lực quản trị

Việc đầu tư công nghệ để hỗ trợ cho mô hình quản trị hiện đại và giảm rủi ro cũng là cách nhiều ngân hàng đặt ra cho mục tiêu dài hạn. Chẳng hạn SCB sau khi hợp nhất với Việt Nam Tín Nghĩa và Đệ Nhất đã tập trung đầu tư hợp nhất hệ thống công nghệ lõi để quản trị thống nhất và tạo nền tảng triển khai các tiện ích mới, đưa ra các sản phẩm tài chính trực tuyến hiện đại hơn. ACB đầu tư cho giải pháp quản trị nguồn nhân lực trong mục tiêu đánh giá lại quy trình, tối ưu hoá bộ máy vận hành; đồng thời kiện toàn hệ thống quản trị nhân sự và phát triển nhân tài…

Năm 2012, MB cũng tập trung củng cố hệ thống quản lý, hoàn thiện tổ chức và triển khai các giải pháp hỗ trợ tăng năng lực quản lý điều hành. Hệ thống công nghệ hiện đại giúp ngân hàng thường xuyên đánh giá được chất lượng, sử dụng các tiêu chuẩn đo lường hiệu quả như ISO, SLA, 5S, sàn giao dịch chuẩn… Năm 2013 là năm trọng tâm MB thực hiện cải tổ toàn diện, mà lợi thế lớn sẽ được tận dụng là đẩy mạnh hợp tác với Viettel để đưa MB thành ngân hàng dẫn đầu về công nghệ thông tin. Việc phát triển sản phẩm tích hợp hàm lượng công nghệ cao sẽ cung ứng những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp của từng nhân viên…

Việc tăng trưởng kinh doanh những năm qua tại nhiều ngân hàng gắn liền với việc củng cố hệ thống quản lý, triển khai các giải pháp công nghệ hỗ trợ kinh doanh và chú trọng vào an ninh thông tin. Đại diện MB chia sẻ: “Đầu tư cho công nghệ không chỉ giúp tăng chất lượng dịch vụ, chất lượng thẩm định và quản trị rủi ro, quản lý tài chính; mà còn nhằm tạo ra năng lực vượt trội về sản phẩm dịch vụ ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng. Đây cũng là điều kiện cần để đưa MB vào nhóm ngân hàng dẫn đầu thị trường”.

(Theo SGTT)