Ngân hàng Thái ráo riết mở rộng mạng lưới
Ngân hàng Bangkok (BBL), tổ chức tín dụng lớn nhất Thái Lan, đang nắm ưu thế khi có văn phòng tại 9 trong tổng số 10 nước thành viên ASEAN, ngoại trừ Brunei, và là ngân hàng Thái duy nhất hoạt động tại Myanmar. Các chi nhánh nước ngoài hiện đóng góp 18 - 20% tổng khoản cho vay của ngân hàng này.
Chiến lược tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á của BBL thể hiện rõ nhất ở Indonesia, thị trường có đến 3 chi nhánh và được đánh giá là có lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng cao nhất trong tất cả 14 thị trường nước ngoài của ngân hàng, theo The Nation.
BBL dự định sẽ áp dụng chiến lược tương tự tại Lào và sẽ sớm mở chi nhánh thứ hai tại miền nam nước này sau chi nhánh tại thủ đô Vientiane. Kobsak Pootrakool, Phó giám đốc điều hành mảng kinh doanh quốc tế của BBL, cho biết việc cung cấp dịch vụ qua mạng chỉ hợp với khách hàng cá nhân. Còn nếu muốn làm việc với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng phải có hẳn một văn phòng. Ông cho hay việc có một văn phòng và một nhóm nhân viên đóng tại nước sở tại giúp ngân hàng nắm rõ các quy tắc địa phương và dùng kiến thức này để tạo quan hệ với chính quyền cũng như khách hàng bản địa.
Với mục tiêu làm bạn với khách hàng, BBL đã thành lập Ban Kết nối ASEAN tại Bangkok để tư vấn cho các doanh nghiệp muốn tham gia hoạt động hay phát triển mạng lưới tại Đông Nam Á.
Chủ tịch Ngân hàng Chartsiri Sophonpanich từng nói rằng tiêu chí hoạt động của ngân hàng không phải là lúc nào cũng chăm chăm cho vay, mà phải hiểu sự phát triển của từng doanh nghiệp.
“Khi bước vào thị trường mới, doanh nghiệp cần có đủ vốn, nhưng họ cũng muốn biết các tổ chức tín dụng có thể làm gì để giúp họ thành công. Vì thế, BBL trước hết phải tập trung vào dịch vụ tư vấn. Khi các doanh nghiệp này phát triển, chúng tôi sẽ tính tới bước cho vay”, The Nation dẫn lời vị chủ tịch cho hay.
Thị trường tiềm năng
Kasikornbank cũng đang có các nỗ lực để tăng cường hiện diện tại ASEAN nhằm kết nối giao thương và các khoản đầu tư của doanh nghiệp từ Trung Quốc, nơi ngân hàng này hiện có 4 chi nhánh và 3 văn phòng đại diện. Theo Teeranun Srihong, đồng Chủ tịch Kasikornbank, việc tăng cường hiện diện tại Đông Nam Á là hết sức cần thiết vì các chi nhánh này sẽ mang lại nguồn thu đáng kể từ quan hệ kinh tế giữa ASEAN với 3 đối tác lớn là Nhật, Trung và Hàn Quốc trong 10 năm tới, sau khi kinh tế ASEAN được gom về một mối. Tại Đông Nam Á, Kasikornbank mới chỉ có mặt ở Lào và đang xin phép mở chi nhánh tại Campuchia, Myanmar và Việt Nam.
Ngân hàng Thương mại Siam sẽ mở chi nhánh tại TP.HCM đầu năm sau, và đây sẽ là chi nhánh thứ 6 của ngân hàng tại ASEAN ngoài một chi nhánh ở Vientiane và 4 ở Campuchia. Ngân hàng này cũng đang tiến hành các bước để tìm cách tham gia vào thị trường mới mở Myanmar.
Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là nhóm thị trường tiềm năng tại Đông Nam Á, vì nhu cầu phát triển khổng lồ của các nước này rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đại diện Ngân hàng Siam cho biết.
Noriaki Goto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Ayudhya (Krungsri), một trong các ngân hàng lớn nhất Thái Lan, cho rằng việc thiết lập văn phòng là cần thiết ở các thị trường mà phần lớn các giao dịch còn sử dụng tiền mặt. Ông Goto cho biết hoạt động ngân hàng chủ yếu xoay quanh việc thiết lập và duy trì quan hệ với khách hàng, và khi có cơ sở tại địa phương, ngân hàng cho khách hàng cảm giác được chăm sóc tốt hơn, đặc biệt là khi họ cần tư vấn về các quyết định phức tạp.
PTT hợp tác với Nga về dầu khí
Sau khi tạm ngưng hàng loạt dự án tại Đông Nam Á để ứng phó với giá dầu ngày càng thấp, Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) nay quyết định đẩy mạnh hoạt động trong nước với sự trợ giúp từ bên ngoài. Theo Bangkok Post ngày 27.2, PTT có khả năng sẽ ký biên bản ghi nhớ với Gazprom và Rosneft, hai công ty dầu khí hàng đầu của Nga, vào khoảng tháng 5. Các bên được cho là đang nghiên cứu khả năng hợp tác trong những lĩnh vực như nhập khẩu dầu và khí LNG cũng như các dự án thăm dò và sản xuất.
PTT hiện cũng xem xét khả năng thâu tóm hoặc đầu tư vào các công ty sản xuất dầu đá phiến (shale oil) ở Bắc Mỹ vốn đang mất dần khả năng thanh khoản do cú sốc giá dầu, theo Chủ tịch Tập đoàn Tevin Vongvanich. PTT dành khoảng 297 tỉ baht (8,29 tỉ USD) cho chi tiêu ngân sách từ năm 2016 - 2020, trong đó khoảng 10% cho hoạt động M&A (sáp nhập và thâu tóm).
Kể từ khi giá dầu giảm sâu vào cuối năm 2014, PTT đã tập trung cắt giảm chi phí, thu hẹp hoạt động kinh doanh, sản xuất và tái cơ cấu các công ty con. Truyền thông Thái Lan gần đây đưa tin PTT tạm ngưng 3 dự án lọc dầu với giá trị 3 tỉ USD mỗi dự án tại VN, Indonesia và Myanmar. Tập đoàn này cũng được cho là đang cân nhắc khả năng tiếp tục đầu tư dự án lọc dầu Nhơn Hội ở Bình Định với số vốn dự kiến 22 tỉ USD.
Đầu tư mạnh vào ASEAN
Số liệu từ Ngân hàng Thái Lan cho thấy doanh nghiệp nước này đầu tư tổng cộng 242,9 tỉ baht (hơn 6,7 tỉ USD) ra nước ngoài từ tháng 1 - 9.2015, 27% trong số đó (1,8 tỉ USD) được đổ vào các nước Đông Nam Á, theo tờ The Nation. Mức đầu tư này tăng mạnh so với con số của toàn năm 2005, khi mức đầu tư của các doanh nghiệp Thái tại khu vực chỉ hơn 83 triệu USD, chiếm 13% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài vào năm đó. Số liệu của ngân hàng cho thấy các khoản đầu tư từ Thái cho các thị trường tại Đông Nam Á liên tục tăng từ năm 2011, và chỉ giảm vào năm 2013 do các bất ổn chính trị. Năm ngoái, đầu tư của Thái tại thị trường Đông Nam Á đạt gần 2,8 tỉ USD. Tờ The Nation nhận xét các công ty Thái rõ ràng đang có xu thế hướng ngoại và họ xem Đông Nam Á là mảnh đất màu mỡ với nhiều cơ hội thương mại tự do mở ra từ cộng đồng kinh tế hợp nhất.
Nguồn Thanh niên