Ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao nhất cũng chỉ được một nửa hạn mức
Chỉ còn gần 3 tháng nữa là kết thúc năm tài chính 2012, song việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được phân bổ cho các NHTM đến nay vẫn còn xa vời.
Nhiều NHTM tăng trưởng tín dụng sau nhiều tháng âm đến nay đã tăng trở lại nhưng rất chậm, chẳng hạn Sacombank dư nợ 8 tháng tăng 3-4%, VietinBank 8 tháng tăng 2%, BIDV 8 tháng tăng 13,5%, DongABank cũng chỉ tăng vài phần trăm, còn Vietcombank ước 9 tháng đầu năm nay tăng 8,5%, MaritimeBank 9 tháng tăng 2%, MB 9 tháng tăng 12%…
Nguyên nhân chính khiến cho tín dụng không thể tăng trưởng được như mong muốn là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu do năng lực tài chính, hàng tồn kho lớn, trong khi đó nợ xấu của ngân hàng chưa được giải quyết rốt ráo. Đây được coi là 2 điểm nghẽn gây ách tắc dòng tín dụng hiện nay. Tính đến ngày 20/9/2012, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng ước đạt 2,35% so với cuối năm 2011.
Hầu hết các NHTM đều có mức tăng trưởng tín dụng rất thấp, ngân hàng đạt được mức cao nhất cũng chỉ hoàn thành được một nửa hạn mức tín dụng đã được cấp từ đầu năm.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhận định, hoạt động của ngân hàng chủ yếu vẫn là huy động và cho vay. Nhưng hiện nay xét trên tổng thể quan hệ luân chuyển dòng tiền của nền kinh tế thì ngân hàng thấy rằng càng cho vay sẽ càng rủi ro. Để kích cầu tín dụng ngân hàng vẫn ưu đãi lãi suất thấp với khách hàng tốt, nhưng thực tế tự thân những khách hàng này cũng biết là trong giai đoạn này không nên mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tăng trưởng 5-6% không thấp nếu so với tổng dư nợ
Tất cả những điều trên cho thấy, tăng trưởng tín dụng vẫn sẽ gặp khó và nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng tín dụng năm nay có thể chỉ đạt 5 - 6%. Hơn thế, theo các chuyên gia, đừng quá quan tâm tín dụng tăng bao nhiêu mà nên quan tâm đến chất lượng tín dụng.
Mức 5-6% không phải là thấp nếu so với tổng dư nợ hiện nay đã lên tới hơn 120% GDP trong khi khả năng hấp thụ của nền kinh tế rất yếu, các chuyên gia nhấn mạnh.
Một chuyên gia phân tích, nếu chỉ cần tăng tín dụng 2%/tháng, nghĩa là khoảng 56.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế, cộng với đầu tư công khoảng 22.000 tỷ đồng/tháng của Bộ Tài chính thì với lượng tiền lớn như vậy nền kinh tế không thể “tiêu hóa” được, vì nó còn lớn hơn cả doanh số bán hàng trong một tháng của cả nước.
Bên cạnh đó, tiêu chí bơm vốn phải tính đến hiệu quả đồng vốn và chống lạm phát thì mức tăng trưởng tín dụng 6-8% năm 2012 là khó khả thi. Để tín dụng có thể tăng trưởng được, theo ý kiến của vị chuyên gia này cần phải kích cầu bằng cách bồi dưỡng sức dân, tăng lương, giảm thuế…
Những dự án công nào đã hoàn thành rồi thì Nhà nước nên tất toán ngay cho bên B để họ có tiền trả lương cho công nhân hay có tiền để đầu tư vào những dự án khả thi khác...
Nguồn Thời báo Ngân hàng