Ngân hàng tăng trưởng: Lợi nhuận cao, chi phí cao?
Thông tin ngân hàng Vietcombank sẽ thưởng Tết 8 tháng lương vừa đưa ra đã nhanh chóng bị lãnh đạo của ngân hàng này bác bỏ, thay vào đó, thông tin chính xác là thưởng tối đa 1 tháng lương. Dù vậy, nếu điều này trở thành sự thật thì cũng không quá ngạc nhiên, vì mới đây ngân hàng này công bố lợi nhuận trước thuế trong năm lên mức kỷ lục, đạt 8.212 tỉ đồng, tăng 23,4% so cùng kỳ. Không chỉ có Vietcombank, Vietinbank cũng đang phấn khởi với kết quả kinh doanh trong năm nay, khi lợi nhuận trước thuế cũng tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 8.250 tỉ đồng.
Những con số tăng trưởng lợi nhuận cuối năm cho thấy tình hình hoạt động của các ngân hàng không thực sự đáng lo ngại như dự báo hồi đầu năm. Cũng nhờ lợi nhuận tăng, các ngân hàng cũng có cơ hội cải thiện khả năng sinh lời dựa trên sự tăng trưởng tài sản và nguồn vốn. Theo số liệu của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỉ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hệ thống tổ chức tín dụng trong năm 2016 đạt lần lượt khoảng 0,54% và 7,87%, cải thiện đáng kể so với năm ngoái (lần lượt là 0,46% và 6,42%).
Trên thực tế, các ngân hàng vẫn tăng cường trích lập (chi phí dự phòng rủi ro tăng nhẹ 3,2%), nhưng lợi nhuận kinh doanh mà các ngân hàng làm ra còn tăng nhanh hơn. Tỉ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trên lợi nhuận trước trích lập dự phòng đã giảm từ mức 62,5% trong năm 2015 về mức 58,5%. Nhờ đó, các ngân hàng có cơ hội cải thiện lợi nhuận cuối cùng, qua đó đẩy chỉ số ROA và ROE lên.
Có thể thấy, các tổ chức tín dụng đang dần lấy lại vị thế nhưng nếu nhìn cụ thể về từng ngân hàng, sự phân hóa “thứ bậc” về khả năng sinh lời là rất cao. Chưa có báo cáo tài chính quý IV cụ thể ở từng ngân hàng, còn trong quý III, nếu so sánh các ngân hàng thương mại niêm yết với nhau có thể thấy: các ngân hàng có ROE cao nhất là VCB, BIDV, Vietinbank và Ngân hàng Quân đội (MBB) với ROE đều trên 11%. Những ngân hàng này đều có cổ đông lớn là Nhà nước, trong khi xếp kế tiếp là ngân hàng tư nhân ACB với chỉ số ROE đạt 10,1%. Cần nhớ lại, tỉ lệ ROE trung bình ngành trong năm 2013 là 11%, còn năm 2014 là 10%. Như vậy, các ngân hàng đang dần bắt nhịp lại khoảng thời gian 2 năm trước đây.
Tuy nhiên, ROE hay ROA tăng cao lại chưa thể hiện đầy đủ bức tranh kinh doanh của ngân hàng trong năm qua. Theo Công ty Chứng khoán VCBS, khoản lợi nhuận cao trong năm này được đóng góp đáng kể từ khoản thu nhập ngoài lãi, vốn không phải là trụ cột hoạt động chính của các ngân hàng thương mại. “Có phần đóng góp lợi nhuận từ hoạt động mua bán trái phiếu hưởng chênh lệch giá trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng xuống thấp”, báo cáo VCBS nhận định.
Thực tế cho thấy, hoạt động cho vay cốt lõi (chiếm đến 79% cơ cấu thu nhập) của ngân hàng vẫn gặp khó khăn dù cho tốc độ tăng trưởng tín dụng đang ở mức tốt (dự kiến khoảng 18,5% trong năm nay). Mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ở các ngân hàng (NIM) hiện đang ở mức thấp nhất trong vài năm gần đây. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tạo ra lợi nhuận của hoạt động tín dụng.Tương tự, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hoạt động tín dụng của ngân hàng trong năm qua tăng trưởng kém hơn so với các hoạt động khác. Theo đó, thu nhập lãi thuần chỉ tăng 9%, trong khi mảng dịch vụ tăng 18,5%, hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 44%, hoạt động góp vốn mua cổ phần tăng 51,7%, hoạt động khác tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Đáng chú ý hơn, tính hiệu quả kinh doanh của ngân hàng cũng cần phải xem lại vì chi phí hoạt động của các ngân hàng cũng đang tăng dần lên khi quy mô tài sản bắt đầu tăng. Để tạo ra một đồng doanh thu, các ngân hàng tốn nhiều chi phí hơn. Vietcombank, BIDV hay Ngân hàng Quân Đội dù có ROE vượt trội so với các ngân hàng niêm yết, song chi phí hoạt động đều tăng lên tương đối. Như ở Vietcombank, tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở thời điểm cuối quý III là gần 41%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 38,8%. Tương tự cũng diễn ra ở MBB, dù cho cổ phiếu của MBB và Vietcombank là hai cổ phiếu ngân hàng được VCBS đánh giá là tích cực nhất trên thị trường hiện nay.
Việt Dũng