Thứ Năm | 25/10/2012 09:30

Ngân hàng tăng huy động để phòng thủ thanh khoản

Việc ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, hút tiền gửi nhằm đảm bảo thanh khoản về cuối năm khi nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng lên.
Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm nóng dần lên trong những ngày gần đây, trong đó kỳ hạn dài được ngân hàng điều chỉnh nhích nhẹ từ 12%/năm lên 12,5 – 13%/năm. ACB, Western Bank… là những ngân hàng đang có mức lãi suất 13%/năm đối với tiết kiệm dài hạn, kèm nhiều chương trình khuyến mãi.

Trong những ngày qua, các ngân hàng thương mại tiếp tục đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi huy động tiết kiệm, với kỳ vọng hút được lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư.

Đơn cử, Eximbank, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đạt 2,3%, song lãi suất tiết kiệm kỳ 13 tháng vẫn được điều chỉnh lên gần 13%/năm.

Đối với tiền gửi ngắn hạn (1 – 12 tháng), tình trạng vượt trần lãi suất 9%/năm ngày càng nhiều hơn do các ngân hàng phải cạnh tranh hút vốn dịp cuối năm.

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường đại học Ngân hàng TPHCM) nhận xét, chính việc siết chặt thị trường liên ngân hàng kể từ đầu tháng 9/2012 đã buộc các nhà băng phải tăng huy động vốn ở thị trường dân cư và tổ chức kinh tế nhằm đảm bảo được thanh khoản, nhất là đối với ngân hàng nhỏ.

Theo quy định này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1/9/2012, các tổ chức tín dụng không được gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền thanh toán) tại tổ chức tín dụng khác và nếu muốn được giao dịch liên ngân hàng phải không có các khoản nợ quá hạn đối với các giao dịch từ 10 ngày trở lên tại thời điểm thực hiện giao dịch (đối với bên đi vay), nên nhu cầu vốn ngắn hạn cũng tăng lên. Do vậy, các ngân hàng gặp khó về vốn không thể nhờ cậy vào thị trường liên ngân hàng như trước, mà buộc phải đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư.

Các ngân hàng không ngần ngại đưa ra các cách thu hút khách hàng tiền gửi bằng khoản chênh lệch lãi suất chi ngoài khá hấp dẫn bằng cách làm hợp đồng tiền gửi kỳ hạn dài (lãi suất được thả nổi), nhưng được lĩnh lãi hàng tháng, hàng quý. Đồng thời, nếu cần nhu cầu vốn đột xuất, ngân hàng sẵn sàng cho vay lại thế chấp bằng sổ tiết kiệm, với mức lãi suất bằng và thậm chí thấp hơn lãi suất tiết kiệm. Thậm chí, để có thể cạnh tranh được trong huy động tiền gửi tiết kiệm, có ngân hàng còn cho khách hàng rút tiền bất kỳ khi nào có nhu cầu, nhưng lãi suất vẫn được tính trên thời gian gửi thực tế, thay vì chỉ trả lãi suất không kỳ hạn.

Thế nhưng, nguồn vốn huy động về hiện chủ yếu được nhà băng phòng thủ cho thanh khoản, thay vì đẩy mạnh cho vay, một phần do tăng trưởng tín dụng đang gặp khó trước bối cảnh hàng tồn kho chưa giảm, sức tiêu thụ thị trường khó được cải thiện.

Theo ông Đặng Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank, việc phòng thủ thanh khoản trong thời điểm cuối năm là rất cần thiết, nhằm đảm bảo thanh khoản khi nhu cầu về vốn của doanh nghiệp tăng lên.

Tăng trưởng huy động vốn của Sacombank vẫn tốt trong 9 tháng qua, song theo ông Tâm, ngân hàng này vẫn tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn nhàn rỗi từ dân cư.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng cho biết, trước bối cảnh hiện nay, việc phòng thủ thanh khoản là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi không thận trọng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sẽ làm tăng rủi ro nợ xấu, dẫn tới lợi nhuận bị thu hẹp.

Điều đó cũng được minh chứng qua số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng đầu năm, với tăng trưởng huy động vốn cao gấn 10 lần so với tăng trưởng tín dụng. Việc đảm bảo và phòng thủ thanh khoản luôn là vấn đề sống còn của các ngân hàng hiện nay, nên lãi suất huy động tăng chủ yếu do các nhà băng muốn cơ cấu lại nguồn vốn.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện