Ngân hàng tăng giá trị cho khách hàng bằng công nghệ số
Cuộc đua ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực tài chính đang “sôi sục” trên toàn cầu và các định chế, tổ chức tài chính, phi tài chính tại Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc. Đặc biệt sự hiện diện của các công ty chuyên thanh toán số và cung ứng ví điện tử khiến các ngân hàng càng phải nhanh chân gia nhập cuộc đua công nghệ số.
Trào lưu số hóa ngân hàng
Tại Việt Nam, không khí “công nghệ 4.0” đã và đang lan tỏa đến các sản phẩm, dịch vụ và các dự án đầu tư của ngân hàng lẫn các cổng thanh toán, ví điện tử… Digital Banking - Ngân hàng số hay Internet Banking - Ngân hàng Điện tử ngày càng trở nên quen thuộc hơn với người dùng.
Tại Diễn đàn Bán lẻ Việt Nam cuối 2017, chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực dự báo: “Với khoảng 54% người dùng internet và là 1 trong 3 nước có tốc độ tăng trưởng về số người dùng internet nhanh nhất hiện nay, Việt Nam có tiềm năng để đón công nghệ 4.0 và xu hướng ứng dụng công nghệ vào phát triển ngân hàng bán lẻ cùng các phương tiện, tiện ích thanh toán là tất yếu”.
Các ông lớn trong ngành ngân hàng tại Việt Nam đã khá nhanh nhân bắt kịp xu hướng này. Mới đây, Vietcombank đã công bố đạt chuẩn đổi mới thanh toán toàn cầu khi được tổ chức SWIFT chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn GPI (Global Payments Innovation Initiative).
Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần cũng phản ứng mau lẹ không kém khi chỉ trong vài tháng đầu năm 2018, Maritime Bank (MSB) đã cho ra mắt 2 tính năng thanh toán di dộng mới là Samsung Pay và QR – code ra thị trường, kịp ghi tên mình vào danh sách các ngân hàng sớm kết nối ứng dụng này.
Công nghệ tăng trải nghiệm của khách hàng
Anh Trần Hoàng, một chủ thẻ MSB Mastercard cho biết ứng dụng Samsung Pay kết nối từ MSB giúp anh cùng vợ tiết kiệm kha khá thời gian khi mua sắm cuối tuần. Theo đó, khi mua sắm, thay vì đưa thẻ và chờ đợi người bán hoàn tất thanh toán, thì giờ đây, chỉ cần chạm nhẹ điện thoại Samsung có cài đặt sẵn ứng dụng Samsung Pay vào máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS), anh đã có thể thanh toán hóa đơn tại hầu hết các điểm mua sắm mà anh đến như: siêu thị, nhà hàng, trung tâm thương mại và cả các khách sạn khi cả nhà đi du lịch.
“Không còn phải mang theo tiền mặt, ví hay các loại thẻ ngân hàng, bớt lích kích mà rất an toàn, tôi có thể giao dịch bất cứ đâu, bất cứ khi nào, cũng không cần phải loay hoay tìm kết nối internet, 3G hay wifi mỗi khi thanh toán. Tóm lại là gia đình tôi “vote” cho Samsung Pay của MSB. Tôi hy vọng nếu có cập nhật các xu hướng thanh toán theo công nghệ mới, Maritime Bank sẽ tiếp tục đi đầu vì tiện ích của khách hàng như hiện tại”, anh Hoàng nói.
Ngoài các apps thanh toán tiện lợi kết nối cùng các “đại gia” có thị phần lớn nhất về điện thoại thông minh trên thế giới, Maritime Bank cũng không bỏ qua lợi ích có được từ ma trận mã vạch (Matrix - barcode hay còn gọi là QR Code).
Để mang đến các trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng, MSB đã thực hiện kết nối cùng lúc với hai cổng thanh toán lớn nhất tại Việt Nam là VNPay và Payoo, qua đó giúp khách hàng kết nối và thanh toán tiện lợi bằng mã QR với gần 4.500 địa điểm giao dịch mua sắm cũng như hàng trăm trang website bán hàng trực tuyến khác nhau như: Lotte Mart, B’s mart, ThaiExpress, Hotpot Story, Hồng Lam, Royal Tea, Klever fruits, Big Green, taxi Nội Bài, taxi ABC…
Ông Huỳnh Bửu Quang - CEO Maritime Bank. |
|
Chia sẻ về tính năng này, ông Huỳnh Bửu Quang – Tổng Giám đốc Maritime Bank cho biết: “Phương thức thanh toán bằng mã QR đang trở thành xu hướng mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Với hình thức thanh toán này, khách hàng sẽ không mất nhiều thời gian xếp hàng, chờ đợi; dù có quên ví, quên thẻ ngân hàng, khách hàng vẫn có thể thanh toán hóa đơn tại hàng nghìn điểm mua sắm khác nhau. Đây là một tính năng thông minh, giao dịch an toàn và rất tiện ích mà Maritime Bank mong muốn mang đến cho khách hàng để có được những trải nghiệm tốt nhất trong quá trình thanh toán”.
Các chuyên gia cũng cho rằng làn sóng đầu tư công nghệ và xu thế gia tăng tiện ích vượt trội, hướng đến người dùng, bức tranh số hóa ngân hàng tương lai, còn mang đến nhiều thay đổi bất ngờ về giá trị thương hiệu lẫn vị thế của các tổ chức tín dụng trên thị trường. Và tất nhiên trong đó, khách hàng cũng là chính những người được hưởng lợi bởi mục đích lớn nhất của “cuộc đua” số hóa này của các ngân hàng chính là gia tăng thêm nhiều giá trị, tiện ích, trải nghiệm khác nhau nhằm thu hút khách hàng.