Các ngân hàng tập trung thu hút khách hàng trẻ. Ảnh: Quý Hòa

 
Thiên Phong Thứ Hai | 05/11/2018 14:00

Ngân hàng “săn” người trẻ

Các ngân hàng đang hào phóng cho những người trẻ vay nợ.

Nhiều ngân hàng ra sức lấy lòng những người trẻ tuổi, tích cực thúc đẩy thế hệ chiếm tới 3/5 lực lượng lao động của thế giới “tốt vay, dày nợ” trong tương lai.

Quẹt thoải mái

Đời sống xã hội ngày càng phát triển, hàng hóa dịch vụ đa dạng hơn khiến thế hệ trẻ ngày nay mạnh tay hơn trong chi tiêu cho mua sắm, du lịch, công nghệ và giải trí, khác với xu hướng tiết kiệm trước đây. Đây cũng là phân khúc mà nhiều ngân hàng đang nhắm tới. Vậy vì sao các tổ chức cho vay lại tập trung vào giới trẻ, cho dù họ chẳng có nhiều tiền?

Ngan hang  “san” nguoi tre
 

Một ví dụ là gần đây Eximbank cùng tổ chức ra mắt thẻ JCB đặt riêng tên cho dòng thẻ tín dụng mới là Young Card, với mức thu nhập tối thiểu chỉ 5 triệu đồng là có thể quẹt thoải mái. “JCB mong muốn dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thẻ dành cho người trẻ”, ông Tomoaki Yamaguchi, Trưởng đại diện JCB Việt Nam, khẳng định. Tổ chức thẻ đến từ Nhật kỳ vọng tăng thị phần từ 10% lên 20% trong vòng 2 năm tới và định hướng vào giới trẻ là một trong những bước đi quan trọng.

Ông Okada Kenji, Giám đốc Phát triển kinh doanh bán lẻ, khối Khách hàng cá nhân của Eximbank, so sánh việc mở thẻ tín dụng ở Việt Nam là quy trình nhiều bước thẩm định, trong khi ở Nhật là như mua một bó rau.

Đại diện Ngân hàng cho hay, Eximbank đã có nhiều loại thẻ phục vụ những đối tượng khác nhau, nhưng lần này tập trung vào giới trẻ vì muốn mở rộng nhóm khách hàng. “Họ chính là tương lai và sẽ gắn bó với Eximbank sau này”, ông Okada cho biết.

Không chỉ có Eximbank, VPBank mới đây ra mắt sản phẩm YOLO, một ứng dụng trên điện thoại cho phép người dùng sử dụng nhiều loại dịch vụ khác nhau được tích hợp vào, như dịch vụ tài chính của ngân hàng, tiện ích giải trí, gọi xe, nhà hàng, du lịch và ẩm thực. VPBank gọi phân khúc này là khách hàng trẻ, khách hàng thế hệ mới. “Tập khách hàng mục tiêu của YOLO trong giai đoạn này hướng tới khách hàng có độ tuổi từ 18-35, tại các tỉnh thành phố lớn, quen thuộc với smartphone và các dịch vụ kỹ thuật số”, ông Shameek Bhargava, Giám đốc Ngân hàng số YOLO (VPBank), giải thích.

Ngan hang  “san” nguoi tre
 

Giới trẻ Việt ngày càng chi tiêu nhiều hơn là chuyện có thể nhìn thấy được, nếu rảo bước quanh phố. Thống kê về thế hệ Z (sinh sau năm 1995) cho biết lứa tuổi này chi đến 13.000 tỉ đồng chỉ riêng tiền ăn uống mỗi tháng. Ở Việt Nam, thế hệ Z có khoảng 14,4 triệu người. Không chỉ tăng tiêu dùng hiện tại, nhóm này còn là động lực tiêu dùng của nền kinh tế trong vòng 10-20 năm tiếp theo.

Một số đặc điểm của giới trẻ là sống ở thành thị, lạc quan hơn thế hệ trước, thu nhập thấp cũng đều chịu chi tiêu. Nhưng một đặc điểm quan trọng đối với các tổ chức tín dụng là sở thích vay nợ tiêu dùng nhiều hơn của nhóm khách hàng này. Khi họ thực sự bước vào giai đoạn chín muồi về thu nhập, đó mới là lúc các ngân hàng thu hoạch từ nhiều dịch vụ khác.

Tiềm năng cho vay

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước vào cuối năm 2017, có 41% người Việt không giao dịch với ngân hàng. Số người sở hữu thẻ tín dụng chỉ chiếm 4,1% người Việt trưởng thành, chưa bằng 1/2 ở Thái Lan và chỉ bằng 1/5 ở Malaysia, theo ước tính của World Bank. Trong khi đó, hiện nay có đến 90% thanh toán bằng tiền mặt. “Nhóm khách hàng trẻ này tìm kiếm dịch vụ tài chính ngân hàng thuận tiện, nhất quán và dễ tiếp cận”, báo cáo PwC nhận định về đặc điểm tiêu dùng dịch vụ tài chính của giới trẻ ngày nay.

Ngan hang  “san” nguoi tre
Nhiều ngân hàng xác định thế hệ trẻ là khách hàng tiềm năng của họ.

Tuy nhiên, ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn bởi giới trẻ giờ có khá nhiều lựa chọn, không chỉ đến từ các dịch vụ đa kênh mà ngân hàng giới thiệu, mà còn từ các fintech. Quá nhiều chương trình giảm giá và dịch vụ khác nhau cũng khiến mức độ trung thành ngày càng thấp hơn.

Ngan hang  “san” nguoi tre
 

Chưa tính đến thế hệ Z, một nghiên cứu cho rằng có đến 82% thế hệ millennial (sinh từ năm 1980-1998) không ngại thay đổi ngân hàng và 83% trong số đó sẽ tìm đến đối thủ cạnh tranh, những tổ chức cung cấp dịch vụ rẻ hơn, chăm sóc tốt hơn.

Còn nhiều yếu tố khác khiến giới trẻ thường bỏ qua ngân hàng, theo đại diện YOLO, là trải nghiệm khách hàng không tốt, quá nhiều thủ tục giấy tờ khiến người dùng cảm thấy không thoải mái. Ngoài ra, dịch vụ ngân hàng truyền thống chỉ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến tài chính, bảo hiểm, thiếu đi việc tương tác thường xuyên với khách hàng trẻ.

Để đáp lại vấn đề này, YOLO cho biết sẽ xây dựng hệ sinh thái có đa dạng dịch vụ, được kỳ vọng giữ chân khách hàng tương tác trong nền tảng này, ngay cả khi khách không sử dụng sản phẩm ngân hàng. “Quan trọng là dịch vụ phải độc đáo và khác biệt. Sau này tập khách hàng của YOLO có thể sẽ mở rộng tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và điều kiện thị trường”, ông Shameek Bhargava cho biết. YOLO cũng định hướng phát triển mạng lưới chấp nhận dịch vụ và điểm thanh toán rộng khắp, kể cả các kênh vật lý chứ không chỉ online.

Trong khi đó, đại diện Eximbank cho biết vẫn đang cùng với đối tác Nhật là Sumitomo tìm ra sản phẩm phù hợp cho người Việt. “Tất cả chỉ mới bắt đầu ở giai đoạn phát triển, xu hướng này sẽ mạnh mẽ hơn trong 3-5 năm tới. Chúng tôi đang phát triển ngay từ bây giờ, nhưng không vội vì tính trải nghiệm khách hàng vẫn là quan trọng nhất”, ông Okada, Eximbank, cho biết.