Ngân hàng rót thêm vốn cho cà phê
Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý nội dung phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 theo đề nghị của NHNN, nhằm phát phát triển cây cà phê bền vững. Các Bộ gồm: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Công thương và UBND các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để triển khai hiệu quả Đề án tái canh cà phê các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020 và phương án cho vay, hỗ trợ người trồng tái canh cà phê về quy trình kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đồng thời chủ động xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai việc cho vay tái canh cà phê, bảo đảm việc tiếp cận vốn của người trồng tái canh cà phê dễ dàng, thuận lợi.
Như vậy gói tín dụng quy mô 12.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mà Thống đốc NHNN nhắc tới từ nửa cuối năm ngoái, nhằm hỗ trợ cho vay tái canh cà phê đến nay đã có cơ hội giải ngân. Theo NHNN chi nhánh Đắc Lắc, qua tiếp xúc với đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri tiếp tục kiến nghị có chính sách vốn ưu đãi cho tái canh cà phê.
Cụ thể, cử tri đề nghị NHNN xem xét, chỉ đạo Agribank giảm lãi suất cho vay tái canh cà phê vì mức 10,5%/năm hiện có là cao. Mức lãi suất mong muốn theo kiến nghị trên là 6%/năm, được hưởng lãi suất ưu đãi tương tự như gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở cho người thu nhập thấp đã triển khai.
Theo lãnh đạo NHNN, dù chương trình tái canh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên chưa được phê duyệt và nhà nước chưa hỗ trợ vốn, lãi suất trong thời gian qua, nhưng Agribank vẫn đáp ứng nhu cầu vốn cần thiết cho mục đích tái canh cây cà phê tại đây. Tính đến 31/7/2014, dư nợ cho vay tái canh cây cà phê trên địa bàn này đạt 390 tỷ đồng, với 2.958 khách hàng để tái canh 3.319 ha. Mức lãi suất cho vay trung, dài hạn đang áp dụng là từ 9%-9,5%/năm. Agribank cũng dự kiến sẽ xem xét mở rộng việc cho vay lãi suất đa 9-10%/năm với khoản vay thông thường. Nhưng do tín dụng tái canh cà phê liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp chứ không chỉ có ngân hàng nên khi phương án cho vay tái canh cà phê được chấp thuận thì sự phân công trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan sẽ rõ ràng hơn. Khi đó mới thực sự là chương trình hỗ trợ đúng nghĩa, lãi suất ưu đãi hơn.
Theo Cục trồng trọt, (Bộ (NN&PTNT), hiện có 22 tỉnh, thành phố và 105 huyện trồng cà phê với 5 vùng sản xuất chính gồm: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Tổng diện tích trồng cà phê của 5 vùng kể trên đến cuối năm 2014 là 641.000 ha. Trong đó có 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi, chiếm 15% và 140.000 ha từ 15-20 năm tuổi, chiếm 25%. Ngoài ra cũng có 140.000-160.000 ha cà phê già cỗi cần phải trồng thay chế và chuyển đổi trong vòng 45 năm tới.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sở giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột (BEEC) nhận định, hiện Brazin là nước sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thị trường thế giới, nhưng đang giảm sản lượng do hạn hán. Ở Việt Nam, năng suất cà phê thấp, do cây già cỗi, mất mùa và giá cà phê từ tháng 1/2015 đến nay giảm thê thảm, từ 2.014 USD/tấn xuống còn hơn 1.847 USD/tấn cho kỳ hạn giao ngay tháng 5/2015. Điều này cho thấy, cà phê chịu ảnh hưởng bởi ảnh hưởng hạn hán, mất mùa và để có thể gia tăng sản lượng cà phê cần phải tái canh.
Vì thế, chương trình đẩy mạnh cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên theo ông Hải là cần thiết cho các hộ trồng cà phê, góp phần gia tăng sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Sở giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột cũng sẽ là cầu nối cho cả người trồng cà phê cũng như các nhà xuất khẩu cà phê giải quyết bài toán đầu ra cho cà phê của Việt Nam. Tuy nhiên, “cái mà các hộ trồng cà phê cần nhất chính là nguồn vốn hỗ trợ dài hạn, lãi suất ưu đãi”, ông Hải nói.
Nguồn Báo Đầu tư