Thứ Sáu | 09/11/2012 08:01

Ngân hàng phải tìm người để cho vay

Các ngân hàng đang đua giảm lãi suất cùng nhiều chương trình khuyến mãi song các chuyên gia cho rằng nên cẩn trọng với điều kiện cho vay của ngân hàng.
Giảm lãi suất, tăng ưu đãi

Vào thời điểm hiện tại, nguồn vốn của nhiều NHTM đang dồi dào và rất cần cho vay. Ðể thu hút khách hàng, các NHTM liên tục tung ra các gói khuyến mại, kích cầu ưu đãi dành cho người đi vay vốn. Giải pháp được áp dụng triệt để là giảm sâu lãi suất, tăng thêm quà khuyến mại, cho vay trả chậm, thủ tục vay đơn giản, thậm chí không cần cả tài sản thế chấp.

Ngân hàng ANZ Việt Nam vừa tung ra gói "kích cầu" bất động sản khi hạ thêm lãi suất 3%/năm, tức lãi suất cho vay còn 8,9%/năm. Hồ sơ vay áp dụng đến hết ngày 30/11/2012. Ngoài hạ lãi suất tiền cho vay, ANZ còn cho khách hàng vay tối đa 70% giá trị nhà mặt phố và 60% đối với nhà liền kề, thời hạn vay đến 20 năm và nhận thế chấp cả căn hộ khách hàng dự định mua.

Ngân hàng Hong Leong Việt Nam áp dụng lãi suất 0,88%/năm trong ba tháng đầu tiên, từ ngày 12/9 đến 11/12/2012, sau ba tháng lãi suất sẽ thả nổi theo lãi suất thị trường nhưng không vượt quá 14%/năm. Ðại diện Hong Leong Việt Nam cho biết, khoản vay được sử dụng để mua nhà mới hoặc có thể sử dụng bất động sản để thế chấp vay sửa nhà, đầu tư, giáo dục, bảo hiểm.

Còn TienPhong Bank đang áp dụng chương trình ưu đãi với lãi suất cho vay cá nhân 0,82%/tháng, cho vay ưu đãi sản xuất lúa tại các tỉnh miền tây Nam Bộ.

VPBank đang cho các hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mức vay tối đa đến 90% tổng số vốn kinh doanh bị thiếu hụt trong kỳ kinh doanh trước đó với phương thức vay vốn và hình thức trả nợ khá linh hoạt.

Baoviet Bank thì tung ra hai gói sản phẩm, gồm tài trợ xuất khẩu bằng VND với lãi suất USD và tài trợ vốn kinh doanh linh hoạt để trợ vốn cho doanh nghiệp làm ăn. Ðối với doanh nghiệp xuất khẩu, có nguồn thu ngoại tệ, cam kết bán lại ngoại tệ cho ngân hàng thì vốn vay VND được áp dụng mức lãi suất bằng lãi suất cho vay USD, tức là 7,5%/năm, thời gian tài trợ tối đa lên đến sáu tháng. Riêng khoản tín dụng tài trợ vốn kinh doanh linh hoạt dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thời gian vay đến 36 tháng và được phân kỳ trả nợ phù hợp với thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cẩn trọng với điều kiện vay

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 10/2012, lãi suất cho vay đã giảm từ 5% đến 8% so với cuối năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát. Ðối với các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa..., lãi suất cho vay phổ biến ở mức 10%-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm.

Còn lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 5%-7%/năm đối với ngắn hạn, 6%-8%/năm đối với trung và dài hạn. So với cách đây một năm, lãi suất mà các NHTM cho vay đã giảm rõ rệt. Tuy vậy, giữa giảm lãi suất và việc vay được tiền từ ngân hàng lại là chuyện khác, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của đối tượng đi vay.

Ông Trần Cao Ðạt, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ xây dựng Thiên Phát Ðạt (đường Trương Vĩnh Ký, quận Tân Phú) cho biết, mỗi ngày ông nhận không dưới 10 đơn hàng tiếp thị từ các NHTM để cho vay vốn với lãi suất thấp.

Theo ông Ðạt, so với năm trước, lãi suất cho vay đã hạ thấp, nhưng với tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn hiện nay thì lãi suất ngân hàng còn cao hơn cả lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được thì doanh nghiệp không dám vay.

Còn bà Trần Thị Thu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Ðăng (quận Tân Bình) cho rằng, cần tiếp tục giảm thêm lãi suất thì nhiều doanh nghiệp thuộc diện nhỏ và vừa mới tiếp cận được vốn vay.

Các chuyên gia tài chính khuyến cáo, người đi vay tiền chớ vội trước lãi suất cho vay thấp, mà cần tìm hiểu kỹ để tránh "bẫy" lãi suất do ngân hàng giăng ra. Ðó là, mức lãi suất thấp chỉ được áp dụng trong một thời gian ngắn, sau đó, phần lớn thời gian vay còn lại, người vay phải trả lãi suất cao "theo tín hiệu thị trường"

Nguồn Nhân dân


Sự kiện