Ngân hàng ồ ạt cho vay mua nhà
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa triển khai chương trình cho vay mua nhà, đất và xây dựng, sửa chữa nhà, kéo dài đến 28/2/2015. Theo đó, khách hàng sẽ được chọn một trong các cách tính lãi suất: 0%/năm trong ba tháng đầu khoản vay hoặc 6%/năm trong 6 tháng đầu khoản vay hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu khoản vay. Thời hạn vay vốn tối đa 25 năm và khách hàng có thể dùng chính ngôi nhà mua làm tài sản đảm bảo tại ngân hàng.
Cùng thời gian này, Ngân hàng ANZ cũng giới thiệu gói vay mua, sửa chữa nhà ở khá hấp dẫn: Khách hàng chọn kỳ hạn cố định lãi suất dưới 6 tháng được giảm 4%/năm trên lãi suất tiêu chuẩn trong 6 tháng đầu. Những khoản vay có kỳ hạn cố định lãi suất một và hai năm chịu lãi suất lần lượt 8%/năm và 8,4%/năm...
Trên đây là hai trong số nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất nhắm đến lĩnh vực bất động sản (BĐS). Trước SeABank và ANZ, hàng chục ngân hàng tung ra các gói cho vay tương tự, như Vietcombank cấp 3 nghìn tỷ đồng lãi suất từ 7,99% một năm; ACB cho vay cá nhân thu nhập từ 10 triệu đồng lãi suất 8,9% trong năm đầu tiên; HDBank liên kết với chủ đầu tư Ehome 5 cho vay lãi suất 0% đến khi được giao nhà...
"Chưa bao giờ doanh nghiệp thờ ơ với vốn tín dụng như hiện nay", Tổng Giám đốc một ngân hàng tại Hà Nội nhận xét và thừa nhận, tín dụng của ngân hàng hai tháng trở lại đây nhích thêm được gần 2% là nhờ cho vay tiêu dùng, trong đó những khoản vay giá trị cao đều liên quan đến lĩnh vực BĐS.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thể hiện, tín dụng bất động sản tăng mạnh thời gian gần đây. Đến cuối tháng 6, tín dụng BĐS đạt hơn 350 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức tăng 2,78% so với cuối năm 2013, song đến cuối tháng 8 mức tăng đã lên 9,85%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 5,82% chung và một số lĩnh vực được ưu tiên như nông nghiệp nông thôn (mức tăng 6,1%), công nghiệp hỗ trợ (6,12%), xuất khẩu (4,37%), doanh nghiệp nhỏ và vừa (2,57%)…
Tăng rủi ro kỳ hạn và nợ xấu
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, trong đó nhắm mạnh vào lĩnh vực BĐS làm dư nợ tín dụng trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng tăng nhanh (đa phần khoản vay tiêu dùng đều có thời hạn 5, 10, thậm chí 20 năm). Theo NHNN Chi nhánh Hà Nội, 10 tháng, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 3,7% (riêng tháng 10 tăng 2,3% so với tháng 9).
Trong khi dư nợ ngắn hạn tháng 10 và 10 tháng tăng 2,7% và giảm 1,4% thì dư nợ trung, dài hạn tăng 2,7% và 14,9%. Trong khi đó, vốn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu kỳ hạn ngắn. Như tại Vietcombank Chi nhánh TP HCM, tổng vốn huy động đến cuối tháng 9/2014 tăng 13,5%, trong đó 79% là ngắn hạn. Do đó, dù thừa tiền, ngân hàng vẫn có nguy cơ mất thanh khoản bởi rủi ro kỳ hạn.
Như tại Ngân hàng Á Châu (ACB), cho vay trung, dài hạn chiếm 47% tổng dư nợ và hiện ngân hàng này chỉ còn 10 nghìn tỷ đồng để cho vay kỳ hạn dài (theo quy định, các ngân hàng chỉ được sử dụng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, trong khi huy động ngắn hạn chiếm đến 85% tổng vốn huy động của ngân hàng). Theo Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn, nếu giờ dè dặt cho vay trung, dài hạn sẽ lại ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng bởi cho vay cá nhân chủ yếu có kỳ hạn dài.
Tương tự, tại Ngân hàng Đông Á, tính đến hết tháng 9, tỷ lệ cho vay trung, dài hạn chiếm 45% tổng dư nợ. Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á Nguyễn Thị Kim Xuyến, cho biết, hạn mức còn lại để cho vay hạn dài không nhiều.
Mặt khác, việc dồn vốn nhanh, mạnh, kỳ hạn dài cho bất động sản cũng dễ kéo theo nguy cơ nợ xấu tăng. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để xử lý, nhưng báo cáo của NHNN Chi nhánh TP HCM cho thấy, đến cuối tháng 8, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn tăng gần 25 nghìn tỷ đồng so với đầu năm.
Nguồn Báo Giao Thông Vận Tải