Thứ Ba | 22/01/2013 09:27

Ngân hàng nới room, ai vào?

Vietinbank không phải là ngân hàng duy nhất có cổ đông chiến lược nước ngoài nắm giữ hết “quota”.

Việc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) bán 20% cổ phần với giá 15.465 tỉ đồng cho Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (Nhật) hồi cuối năm 2012 là thương vụ mua bán - sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay trong ngành ngân hàng Việt Nam.

Sau thương vụ, ngoài tỉ lệ 20% do ngân hàng Nhật này nắm giữ, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và các nhà đầu tư nước ngoài khác còn nắm 10% cổ phần tại VietinBank. Nghĩa là đã hết giới hạn sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngân hàng theo quy định tại Nghị định 69/2007 của Chính phủ.

Không chỉ VietinBank, nhiều ngân hàng khác cũng có cổ đông chiến lược nước ngoài nắm giữ hết room. Rõ ràng, ngành ngân hàng vẫn có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các ngân hàng ngoại có năng lực tài chính và kinh nghiệm, sẽ tham gia mạnh hơn nữa vào quá trình tái cấu trúc này. Đó là lý do gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết đang cân nhắc việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Thế nhưng, việc này nếu có cũng chỉ tập trung vào một số ngân hàng yếu kém, thiếu vốn và cần tái cấu trúc. Điều đó cũng giống như việc “gả” các ngân hàng cho những chàng trai ngoại giàu có, nhưng lại chỉ chọn gả những cô gái xấu xí.

Lẽ thường, không ai lại muốn có một món hàng kém chất lượng, trừ phi giá rẻ đến mức người mua cảm thấy lợi ích mang lại đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Theo ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners (VCP), chắc chắn một điều nhà đầu tư ngoại sẽ quan tâm đến khối ngân hàng nhiều hơn sau khi nới room. Nhưng có tiến tới hay không thì yếu tố đầu tiên họ cân nhắc chính là giá.

Nợ xấu của ngân hàng ngày càng tăng đồng nghĩa với giá trị ngân hàng ngày càng giảm. Điều này phản ánh vào giá cổ phiếu của ngân hàng. Chỉ khi giá giảm xuống đến một mức hợp lý nào đó, nhà đầu tư mới mua vào. Nếu không, cho dù có tăng mức trần sở hữu đi nữa thì cũng khó có thể bán được. Nhưng liệu có ngân hàng nào chịu hạ giá?

Điều đặc biệt khiến các nhà đầu tư ngoại quan tâm là quyền kiểm soát ngân hàng họ rót vốn để có thể thực hiện kế hoạch tái cấu trúc. Cũng gần giống như lĩnh vực ngân hàng, trong đề xuất nới room trên thị trường chứng khoán, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng có thể mở rộng tỉ lệ sở hữu hơn 49% nhưng đó sẽ là những cổ phần không được biểu quyết đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không chỉ ở lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng. Vấn đề ở đây là liệu có nhà đầu tư nào bỏ tiền ra mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết?

Câu chuyện quyền kiểm soát đã được nhắc lại khá nhiều trong thời gian qua. Theo nhận xét của Công ty Chứng khoán Kim Eng, việc hợp tác với cổ đông chiến lược nước ngoài chưa mang lại lợi ích rõ ràng. Chủ yếu là vì các nhà đầu tư ngoại chưa có được quyền lực thực sự khi chỉ nắm giữ có 20% cổ phần.

Tất nhiên, tăng quyền kiểm soát cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng nội dễ rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Vấn đề được đặt ra ở đây là mở cửa đến đâu để thu hút vốn.

Ở góc độ nhà đầu tư, chắc chắn mở cửa càng rộng chừng nào thì càng tốt chừng đó và nợ xấu còn tăng thì Nhà nước sẽ còn phải mở thêm room để tìm kiếm vốn, như ông Sơn, VCP, nhận xét. Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, có thể chia thành từng giai đoạn để đảm bảo quyền kiểm soát của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Và tất yếu đến một lúc nào đó, giới hạn này cũng sẽ được xóa bỏ. Nhìn sang các nước trong khu vực, hầu hết đều đã nâng room lên 100% kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Về mặt lý thuyết, muốn thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào là việc không khó. Chỉ cần bỏ những rào cản tự khắc sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng trên thực tế, họ có vào hay không còn phụ thuộc vào chất lượng của từng loại hàng hóa, như nhận xét của ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán MHBS. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam liệu có đủ nội lực để hấp thụ dòng vốn này.