Thứ Năm | 17/04/2014 11:31

Ngân hàng nhỏ dồn dập xin sáp nhập để tồn tại

Sáp nhập ngân hàng lớn không chỉ giúp các nhà băng nhỏ vượt khó mà còn giúp các nhà băng nhận sáp nhập mở rộng quy mô.
Đúng như cam kết sẽ sáp nhập 6-7 nhà băng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại phiên họp thường kỳ Chính phủ gần đây, làn sóng mua bán sáp nhập đã nóng trở lại ngay trước thềm Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2014. Cả 3 vụ sáp nhập đã công bố rõ tên tuổi đối tác gần đây như Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank) vào Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank); Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) vào Công Thương (Vietinbank) lẫn Ngân hàng MeKong (MDB) sáp nhập vào Hàng Hải (Maritime Bank) đều được xem là những cuộc hôn nhân chênh lệch khá lớn về mặt quy mô.

Trên thực tế, các ngân hàng nhỏ đều rất cần một cuộc sáp nhập để giải quyết những non yếu về mặt tài chính hiện nay, đặc biệt khi nhiệm vụ gút lại danh sách các nhà băng đã được Ngân hàng Nhà nước vạch ra từ năm 2011. Một bên là những Southern Bank, PGBank, MDB vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3.000-4.000 tỷ với một phía quy mô vốn đã lên tới gần chục, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng (như Sacombank, Vietinbank). Hoặc như trường hợp của Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank) - trường hợp mới nhất ngỏ ý hợp nhất, sáp nhập - vốn cũng chỉ dừng lại ở mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Theo nhiều chuyên gia, việc công bố ý tưởng sáp nhập, hợp nhất với các đơn vị tại thời điểm này là hợp lý bởi đây là cách tốt giúp họ giải quyết những vấn đề nội tại như non vốn, chất lượng tài sản kém... Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, sáp nhập theo phương thức này có thể giải quyết vấn đề của những ngân hàng nhỏ. Ngược lại, với các bên đi nhận sáp nhập, nợ xấu mà họ phải cáng đáng từ đối tác có thể là một thách thức rất lớn.

Trong khi đó, chia sẻ với tư cách cá nhân, ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia - lại nhìn nhận, đã đến lúc để anh mạnh dìu dắt kẻ yếu thay vì để các ngân hàng yếu loay hoay tụ họp với nhau để xử lý. Về chuyện lo ngại các "con sâu" có thể làm ngân hàng khỏe yếu đi, ông Phước cũng nhìn nhận theo một góc độ khác. Theo ông, khi sáp nhập, các ông lớn đã tính toán kỹ lưỡng quy mô, nợ xấu và lượng vốn thực sự còn lại của các đơn vị yếu kém. Qua đó, những điều kiện, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu sẽ đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị khỏe mạnh khi tham gia. "Ngân hàng yếu, nợ xấu cao khi sáp nhập thì sẽ phải định giá khác. Mọi việc phải diễn ra theo nguyên tắc thị trường, tiền nào của nấy thôi", chuyên gia từng làm Tổng giám đốc Eximbank nói.

Hai trong ba thương vụ đã công bố rõ ràng tên tuổi các đối tác là Southern Bank - Sacombank; MDB - Maritime Bank đều cho thấy có dáng dấp chung về cơ cấu sở hữu cổ đông. Do đó, ông Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, những đợt sáp nhập lần này, nếu được thông qua và thành công, Ngân hàng Nhà nước sẽ khéo léo xử lý được phần nào những rủi ro từ sở hữu chéo ở các nhà băng.

Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp rất nhỏ trong mạng lưới sở hữu chéo chằng chịt hiện nay. Rủi ro của sở hữu chéo còn đến từ việc ông chủ các doanh nghiệp sân sau đứng ra thâu tóm, chi phối nguồn vốn của ngân hàng qua các công ty liên kết.

Khác với đợt hợp nhất, sáp nhập liên quan 9 ngân hàng yếu kém lần trước, đợt này thị trường thấy có sự xuất hiện của những ngân hàng "đầu tàu" như Vietinbank, Vietcombank. Tổng giám đốc của ngân hàng đã cơ bản tái cơ cấu thành công trong giai đoạn một phân tích: "Định hướng lớn nhất của quá trình tái cơ cấu, ngoài gút lại số lượng ngân hàng còn là tạo ra những nhà băng có quy mô lớn tầm cỡ khu vực". Vì vậy theo ông, sự tham gia của những ông lớn trong tái cơ cấu hệ thống gần đây là dễ hiểu. Riêng về trường hợp Vietcombank, dù không hé lộ đối tác nhưng đơn vị này cũng vừa để ngỏ việc M&A khi xin "để dành" chủ trương mua bán, sáp nhập trong tương lai.

Một điểm khác nữa là các cuộc tái cơ cấu mới hé lộ gần đây không có sự tham gia của những cổ đông bên ngoài là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh (như Doji, Thiên Thanh tại TPBank, TrustBank). Khi đó, với sự tham gia của những doanh nghiệp có nguồn vốn lớn, sẵn sàng hỗ trợ các nhà băng, không ít ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý đang dùng chính sở hữu chéo để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Lần này, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, dường như khối ngân hàng đã không hẳn còn hấp dẫn với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như trước đây. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc tạo điều kiện cho các đơn vị hợp nhất, sáp nhập ngay từ đầu năm, ngay trước thềm ĐHCĐ của Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thời điểm hợp lý và phù hợp với cam kết của Thống đốc từ đầu năm.

Nếu thực hiện sáp nhập thêm 6-7 ngân hàng đúng như Thống đốc nói, số lượng các nhà băng bị giải thể, rút giấy phép sau cuộc tái cơ cấu toàn hệ thống có thể lên 7-10 đơn vị.

Nguồn Vnexpress


Sự kiện