Ngân hàng nhờ cậy lực đẩy tiêu dùng
Những báo cáo tổng kết cho thấy các ngân hàng thương mại kết thúc tháng 9 trong sự sôi động hơn hẳn so với nhiều tháng trước đây, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt qua kỳ vọng của nền kinh tế, báo cáo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định. Với quy mô tài sản tăng 2,5% trong tháng 9 so với tháng 8 trước đó (tăng 10,55% so với cùng kỳ năm ngoái), các ngân hàng cũng đã cho thấy kết quả kinh doanh lạc quan hơn hẳn những quý trước.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, bứt phá lên đầu bảng xếp hạng là Techcombank, với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm lên đến 90% so với cùng kỳ, đạt gần 2.300 tỉ đồng. Xếp thứ hai là VPBank với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 38%, tiếp sau đó là ACB. Nhưng nếu xét về quy mô thu nhập lãi thuần, VPBank lại giữ ngôi vương với tốc độ tăng trưởng lên đến 45%. Dù tăng thu nhập, nhưng khoản trích lập dự phòng của Ngân hàng cũng tăng cao đến 61%, tạo sức ì lên đà tăng lợi nhuận.
Một điểm chung dễ thấy ở những ngân hàng có mức tăng trưởng cao là sự nương tựa vào nền kinh tế tiêu dùng. Theo đó, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của VPBank là FE Credit, công ty con cho vay tiêu dùng. Cũng tương tự, theo lý giải của Techcombank, lợi nhuận ngân hàng tốt hơn so với thời kỳ trước là nhờ tăng thu nhập lãi thuần (21%) và thu nhập ngoài lãi (từ phí và các hoạt động khác) tăng 50%. Dư nợ khách hàng cá nhân hiện chiếm 43,5% tổng danh mục của Ngân hàng.
Có thể thấy trong năm qua các ngân hàng triển khai nhiều hoạt động bán lẻ rầm rộ. Trong 10 tháng đầu năm, lượng xe hơi bán ra tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Nhiều ngân hàng tập trung vào các lời chào mời mua ôtô, thậm chí là những ngân hàng nhỏ như Viet Capital Bank, hay Maritime Bank, vốn có cấu trúc là một ngân hàng bán buôn, nay lại “nhiệt tình” chuyển hướng bán lẻ.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trong báo cáo tháng 10, tín dụng tiêu dùng tăng 31,2% so với cuối năm 2015, chiếm 11,3% trong quy mô tổng dư nợ (năm 2015 là 9,7%). Theo đó, tín dụng tiêu dùng tập trung chủ yếu vào các nhu cầu sửa chữa nhà, mua nhà để ở (chiếm khoảng 49,7%), mua đồ dùng trang thiết bị (23,1%) và phương tiện đi lại (9,4%).
Trong khi đó, ở khối ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước, Vietcombank hiện dẫn đầu thị trường với kết quả ấn tượng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm tăng 39,5% so với cùng kỳ, trong khi ở BIDV và VietinBank lần lượt là 3,8% và 16,5%. Với hơn 5.070 tỉ đồng, Vietcombank cũng đã bám sát VietinBank, vốn nhiều năm dẫn đầu con số lợi nhuận tuyệt đối.
Tuy nhiên, nếu xét về mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần, Vietcombank cũng không quá cách biệt so với BIDV lẫn VietinBank. Chỉ có điều, chính chi phí trích lập dự phòng lớn đã thu hẹp lợi nhuận ở những ngân hàng này so với Vietcombank. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chi phí trích lập dự phòng của BIDV lên đến 76% so với cùng kỳ, VietinBank là 30% trong khi Vietcombank lại giảm 4%.
Gần đây, khi nói về bức tranh lợi nhuận ngân hàng trong năm nay và năm tới, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng lợi nhuận chung của ngân hàng năm nay sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2015, ước khoảng 40.000 tỉ đồng, tức đã tăng lên so với năm ngoái cho dù phải “mất” 70.000 tỉ đồng để trích lập dự phòng rủi ro. Theo ông Phước, lợi nhuận ngân hàng trong 5 năm trở lại đây thấp vì chi phí dự phòng tín dụng cao.
Các tổ chức nước ngoài cũng tin tưởng vào bức tranh lợi nhuận ngân hàng. Mới đây, tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho rằng ngân hàng Việt có triển vọng ổn định trong năm sau, nếu được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực từ môi trường vĩ mô như tỉ giá ổn định, lạm phát thấp.
Tuy nhiên, Fitch Ratings cũng cho rằng điểm yếu của ngành ngân hàng vẫn còn đó khi vốn mỏng, nợ xấu cao và tỉ suất lợi nhuận thấp. Rõ ràng, lợi nhuận ngân hàng có thể tốt lên, nhưng Việt Nam vẫn cần thời gian để giải quyết trở ngại về mặt pháp lý, đặc biệt với những tổ chức xử lý nợ xấu như VAMC.
Một điểm đáng chú ý khác là khả năng tô hồng lợi nhuận. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu được báo cáo thấp hơn so với thực tế (các ngân hàng trích lập ít hơn) hoặc báo lãi nhưng chưa thu được tiền. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lãi dự thu của hệ thống tín dụng tăng 17,2% so với thời điểm cuối năm ngoái và tập trung tại một số tổ chức tín dụng yếu kém (9 tổ chức tín dụng chiếm 61,7% tổng lãi dự thu toàn hệ thống). Hiện nay, có 19 tổ chức tín dụng yếu kém có nợ xấu chiếm 55,1% tổng nợ xấu của hệ thống.
Về phía những nhà đầu tư trông đợi vào cổ tức ngân hàng khi lợi nhuận cao, có lẽ họ sẽ phải thất vọng. Bởi lẽ, hơn bao giờ hết các ngân hàng đang rất cần bổ sung thêm vốn để hoàn thành các chỉ tiêu an toàn vốn mới khi thử nghiệm và thực hiện Basel II.
Thanh Phong