SSI Research kỳ vọng rằng một số khoản vay mua nhà cũng có thể được cân nhắc cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ảnh: TL.
Ngân hàng “nhẹ gánh” nợ xấu
Sau nhiều bản dự thảo, Thông tư 02 về Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã được ban hành, theo đó, các ngân hàng sẽ có quyền lựa chọn cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong phạm vi tối đa là 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được trích dần trong 2 năm.
Như vậy, người đi vay có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp. Về phía ngân hàng, áp lực lên cả bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh sẽ giảm bớt phần nào, do rủi ro tỉ lệ nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang đến nửa cuối năm 2024, áp lực lợi nhuận cũng giảm bớt ít nhất trong năm 2023 cho đến nửa cuối năm 2024 khi con số nợ xấu sẽ phản ánh thực tế hơn tình trạng của người đi vay.
Đánh giá tác động của Thông tư này đến ngành ngân hàng, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research cho rằng tỉ lệ nợ xấu năm 2023 có thể không tăng cao như ước tính ban đầu do khách hàng gặp khó khăn có thể được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Điều này cũng có lợi cho các ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu gần 3%, vì các tổ chức này sẽ có thêm phương án để giữ tỉ lệ nợ xấu dưới mức 3%.
“Do không có quy định cụ thể về các ngành nghề đủ điều kiện được tái cơ cấu, chúng tôi hiểu rằng các khoản vay của một số doanh nghiệp bất động sản nhất định có thể được xem xét để tái cơ cấu họ có những dự án dở dang nhưng có pháp lý đầy đủ. Trong tình huống này, nếu các chủ đầu tư có nguồn lực tài chính và tiếp tục hoàn thành các dự án này, họ có thể có cơ hội bán nhà và tạo ra dòng tiền để trang trải các nghĩa vụ nợ. Từ đó có thể phần nào giảm bớt tình trạng thanh khoản hiện tại cho các chủ đầu tư có uy tín hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý rằng các nút thắt pháp lý trong ngành bất động sản vẫn là trở ngại chính đối với tình hình thị trường hiện tại và không thể giải quyết chỉ thông qua Thông tư 02”, SSI Research nhìn nhận.
Ngoài ra, do nội dung của Thông tư 02 cũng bao gồm cả các khoản vay tiêu dùng phục vụ đời sống, SSI Research kỳ vọng rằng một số khoản vay mua nhà cũng có thể được cân nhắc cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Chi phí tín dụng sẽ giảm bớt ít nhất là vào năm 2023 cho đến nửa cuối năm 2024. Đến nửa cuối năm 2024, nếu người đi vay vẫn không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ, thì khoản vay của họ sẽ bị chuyển sang nhóm nợ xấu. Tỉ lệ bao nợ xấu trong năm 2023 trên lý thuyết sẽ tăng lên, vì tổng dự phòng bao gồm cả dự phòng cho các khoản vay đã cơ cấu, trong khi phần nợ xấu không bao gồm các khoản nợ cơ cấu.
“Theo quan điểm của chúng tôi, các ngân hàng có thể hưởng lợi trong năm 2023 từ Thông tư 02 là những ngân hàng có tỉ lệ cho vay cao đối với chủ đầu tư bất động sản, như VPB, TCB, MBB, TPB, HDB… Mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận, nhưng chúng tôi cho rằng Thông tư này cũng sẽ tạo ra một khung pháp lý cho việc tái cơ cấu nợ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực trong trường hợp nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự kiến” SSI Research cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
ACBS: Nền kinh tế Việt Nam hiện tại rất giống hộp Pandora trong thần thoại Hy Lạp