Ngân hàng Nhà nước “vừa đấm vừa xoa” nợ xấu?
Ngày 30/1, một số nhà đầu tư chứng khoán trao đổi về e-mail của một lãnh đạo tổ chức đầu tư, trong đó đề cập đến một tình huống mới của Ngân hàng Nhà nước.
Nội dung e-mail này dự tính, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh quan trọng để hỗ trợ các tổ chức tín dụng “dễ thở” hơn trong xử lý nợ xấu năm 2015.
Cụ thể, quy định về trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu bán lại cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có thể được điều chỉnh: giảm mức trích lập dự phòng hàng năm từ 20% xuống còn 10%.
Nếu điều chỉnh trên có thực trong thời gian tới, một phần áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng sẽ được giảm tải; hay nói cách khác, thời gian để trích lập 100% sau 5 năm tính theo quy định hiện nay sẽ giãn ra thành 10 năm.
Như trên, một số nhà đầu tư chứng khoán bàn tán về khả năng này, vì họ đang chú ý vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nếu có điều chỉnh như trên, tác động trực tiếp là lợi nhuận của các nhà băng trong ngắn hạn bớt bị chia sẻ bởi yêu cầu trích lập dự phòng.
Hướng điều chỉnh trên được bàn tán không phải là không có cơ sở.
Trước hết, trong năm 2014, qua làm việc với Ngân hàng Nhà nước, đã có tổ chức chuyên môn và phía ngân hàng thương mại đề nghị nghiên cứu giãn áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu bán lại cho VAMC.
Một mặt, đề nghị trên nhằm hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng bớt một phần gánh nặng trong bối cảnh cùng lúc thực hiện nhiều yêu cầu lớn, như tuân thủ các quy định chặt chẽ và khắc nghiệt hơn trong Thông tư 09 (cũng về nợ xấu), sắp tới là Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ an toàn mới trong hoạt động…
Mặt khác, khi được giãn áp lực chi phí trích lập dự phòng, các tổ chức tín dụng có thêm điều kiện để cân đối nguồn, hỗ trợ thêm phần nào mục tiêu giảm bớt lãi suất cho vay.
Liên quan, trong năm 2014, một số ngân hàng thương mại cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tái cấp vốn qua kênh trái phiếu đặc biệt của VAMC, như một cách tái tạo thêm nguồn vốn rẻ để họ có thêm điều kiện giảm tiếp lãi suất.
Những đề nghị trên cũng phù hợp với định hướng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại Chỉ thị số 01 ngày 27/1 vừa qua: toàn hệ thống phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm trong năm nay.
Một cơ sở khác, nếu giãn yêu cầu trích lập dự phòng từ 20% xuống 10% mỗi năm đối với nợ xấu bán cho VAMC, thì đó cũng là cách để Ngân hàng Nhà nước “xoa dịu” hệ thống trong bối cảnh phải bằng mọi cách giảm được nợ xấu về dưới 3% đến cuối năm nay.
Mà như trên, năm nay, có những tác động nổi bật có thể làm gia tăng nợ xấu là chính sách ngừng cơ chế cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, thực hiện toàn diện Thông tư 09 mà áp lực lớn là yêu cầu lấy thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) để phân loại (qua CIC, phát hiện doanh nghiệp có một khoản nợ xấu thì các khoản vay khác của họ cũng bị xếp cùng nhóm).
Việc “xoa dịu” nếu có như tình huống đặt ra trong email trên cũng được xem xét như một sự cân đối với sức ép mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra.
Cụ thể, cũng trong ngày 27/1, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ra Chỉ thị số 02, trong đó dồn áp lực xử lý trong nửa đầu năm nay: các tổ chức tín dụng phải đảm bảo đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm 2015; riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho VAMC phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC cả năm 2015 để đến cuối năm đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại.
Với Chỉ thị số 02, có thể dự tính nửa đầu năm nay sẽ là kỳ cao điểm xử lý nợ xấu, mà trong đó cách bán sang cho VAMC được yêu cầu đẩy nhanh hơn.
Nguồn VnEconomy