Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV.

 
Nhật Anh Thứ Tư | 24/04/2024 16:17

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu bán vàng miếng

Ngày mai (25/4), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC.

Trong thời gian gần đây, giá vàng trong nước đã liên tục tăng mạnh, gây ra sự chú ý lớn từ phía công chúng và các nhà đầu tư. Sự tăng giá này không chỉ là một hiện tượng ngắn hạn mà còn phản ánh xu hướng dài hạn của thị trường vàng. Với sự không ổn định của thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu, nhiều người đang tìm đến vàng như một cách bảo vệ giá trị tài sản.

Nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào ngày 25/04/2024 (Thứ Năm).

 

Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Tỉ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng.

Ở phiên đấu thầu ngày 23/4 vừa qua, đã có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng. Theo thông tin công bố từ Ngân hàng Nhà nước, ở phiên đấu thầu này, giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng. 

Trước đó, do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy bỏ phiên đấu thầu vàng dự kiến diễn ra vào ngày 22/4. Như vậy, sau 1 phiên đấu thầu (23/4), chỉ khoảng 20% lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước đem ra đấu giá trúng thầu. 

Ngoại trừ những động thái của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 4/2024.
Ngoại trừ những động thái của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 4/2024.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Maybank cho biết, Nghị định 24/2012/NĐ-CP năm 2012 quy định Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu và sản xuất vàng miếng dưới thương hiệu SJC, đây là một trong nhiều biện pháp nhằm chống lại đô la hóa trong nước giai đoạn những năm 2000 và đầu những năm 2010. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã phải nhập khẩu và bán ra 70 tấn vàng để hạ nhiệt thị trường vàng trong nước. Nhưng kể từ đó, Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng hay tổ chức bất kỳ phiên đấu giá vàng nào mặc dù nhu cầu vẫn duy trì. Và trong tháng 4/2024, tức là sau hơn 11 năm Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu vàng nhằm bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao. 

Chia sẻ về sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và toàn cầu, Chứng khoán Maybank cho hay, tổng lượng tiêu thụ vàng (vàng miếng và trang sức) của các chuỗi cửa hàng thương hiệu tại Việt Nam trong suốt 10 năm qua vào khoảng 40-60 tấn mỗi năm. Trong khi đó, sản lượng khai thác trong nước chỉ đạt 5-6 tấn mỗi năm và các cửa hàng trang sức tái chế được 20-30 tấn vàng mỗi năm, khoảng trống còn lại là 10-40 tấn mỗi năm, tương đương 1-3 tỉ USD, phải phụ thuộc vào nguồn cung không chính thức. Con số này chưa tính đến mức tiêu thụ của các cửa hàng nhỏ lẻ. Chính sự thiếu hụt nguồn cung chính thức này là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và toàn cầu. 

Có thể bạn quan tâm

Ngân hàng Nhà nước hủy phiên đấu thầu vàng miếng SJC