Ngân hàng Nhà nước muốn gì?
Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố sẽ dùng các biện pháp để giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn giá thế giới 400.000 đồng.
Sau gần 1 năm, ngày 13/11/2012, trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông Bình lại tuyên bố sẽ không liên thông giá vàng trong nước và thế giới vì vàng không phải hàng hóa thiết yếu và chênh lệch giá vàng dù nới rộng cũng không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô nói chung. Lúc đó giá vàng trong nước cao hơn thế giới 4 triệu đồng/lượng.
Lúc trao đổi với báo giới, ông Lê Minh Hưng, phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh sẽ coi trọng tỷ giá hơn là giá vàng. Một khi tỷ giá ổn định, việc kéo gần khoảng cách này không cần thiết.
Về việc Nhà nước có thể tham gia mua bán vàng miếng, ông Hưng cũng nói rõ rằng chỉ khi tổ chức tín dụng (TCTD) đã nắm vàng mà có nhu cầu bán cho Nhà nước, NHNN sẽ tham gia thị trường vàng như là biện pháp cuối cùng.
Nhà nước chỉ mua khi có lợi, để làm tăng dự trữ ngoại hối. Còn thị trường vàng có những biến động bất thường, như vấn đề thanh khoản, thì NHNN bán ra để hỗ trợ thị trường, nhưng với giá có lợi cho Nhà nước chứ không phải bình ổn giá, ông Hưng cho biết.
Nếu mua vào lượng lớn, Nhà nước có thể xuất khẩu để lấy ngoại tệ về. Dù làm cách nào thì cũng làm tăng dự trữ ngoại hối, tăng uy tín và tiềm lực thanh toán đối ngoại cho Nhà nước. Đó là cách chuyển một nguồn lực vàng lớn nằm chết thành ngoại tệ hoặc tiền đồng.
Vậy nhưng, mới cách đây vài hôm, trả lời Vnexpress, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối lại cho biết sẽ ưu tiên bán vàng ra để đạt mục tiêu kéo gần giá vàng trong nước và thế giới.
Người dân nếu theo dõi thị trường vàng liên tục có khi phải uống thuốc trợ tim, bởi khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới biến động còn hơn biên độ chứng khoán hàng ngày.
Từ mức trên 5 triệu đồng, ngay sau khi Nghị định quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ 10/1, giá lùi xuống rất nhanh, khoảng chênh lệch chỉ còn 1 nửa, vậy nhưng đến nay, chỉ sau nửa tháng, giá trong nước lại đắt hơn thế giới tới 3,7 triệu đồng/lượng.
Việc biến động này lớn đến nỗi theo như phó phòng kinh doanh của một công ty vàng lớn, người mua bán vàng đang đầu tư theo mức độ chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới.
Còn nhìn vào thông điệp điều hành chính sách vàng của NHNN, đôi lúc chẳng biết sẽ diễn biến theo hướng nào. Hiện tại, người dân vẫn chưa hiểu NHNN muốn gì. Có muốn kéo sát giá vàng trong nước và thế giới hay không vì bản thân những người đứng đầu ngành này đã bất nhất trong tuyên bố của mình.
Hiện tại nếu bỏ tiền vào vàng sẽ có rủi ro lớn vì chưa biết mức độ tham gia của NHNN vào thị trường đến đâu. Nếu nói như ông Huy, khả năng kéo sát giá vàng trong nước và thế giới là có thể, nhưng theo ông Hưng thì NHNN chỉ tham gia thị trường khi có lợi cho dự trữ ngoại hối thì lại chưa chắc. Cũng vì vậy, trước thông tin NHNN sẽ tham gia mua bán vàng, khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới vẫn không kéo lại gần.
Không biết NHNN có quá lạm dụng chữ bình ổn hay không trong điều hành thị trường vàng, vì theo điều 5 Pháp lệnh Giá số 40 thì Nhà nước thực hiện các chính sách, biện pháp cần thiết tác động vào quan hệ cung cầu để bình ổn giá thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, kiểm soát lạm phát, ổn định tình hình kinh tế, xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng vì lợi ích của Nhà nước, góp phần khuyến khích đầu tư, và trong các mặt hàng cần bình ổn không có vàng.
Đồng thời nếu chỉ bán can thiệp, đặt lợi ích của NHNN lên trên thì giá vàng có thực sự giảm, và đó có gọi là bình ổn thị trường?
Nguồn CafeF/TBKTSG