Ngân hàng Nhà nước 'hứa' xử lý sở hữu chéo
Thông tin trên xuất phát từ đề nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị Chính phủ rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến việc mua cố phần, sở hữu chéo cổ phần giữa các ngân hàng thương mại nhằm bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, vài năm gần đây, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng trở thành một vấn đề phức tạp, bộc lộ những bất cập ảnh hưởng đến an toàn hệ thống và chất lượng hoạt động của nhiều trường hợp, thậm chí làm nảy sinh những rủi ro pháp lý…
Trong tài liệu trên, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng đã làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất của các ngân hàng.
Trước thực tế trên, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng đã có các quy định khá cụ thể nhằm hạn chế việc mua cổ phần, sở hữu chéo cổ phần giữa các tổ chức tín dụng, như: “Tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác là cổ đông, thành viên góp vốn của chính tổ chức tín dụng đó” (Khoản 5, Điều 129) và “Công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó” (Khoản 2, Điều 135).
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thực tế trước khi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực, một số tổ chức tín dụng đã góp vốn tại nhiều tổ chức tín dụng khác, hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau, hoặc có một số trường hợp thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng khác, hoặc cổ đông sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng thông qua vốn vay của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác… Vì vậy, cơ quan quản lý trực tiếp này nhìn nhận, “việc xử lý vấn đề sở hữu chéo cần được thực hiện kiên quyết nhưng phải theo lộ trình phù hợp để đảm bảo an toàn hệ thống”.
Đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước cho biết đang xây dựng thông tư quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó có các quy định nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo cổ phần giữa các ngân hàng. Những quy định mới sẽ tập trung hạn chế theo hướng: các khoản cho vay để góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng phải loại bỏ khỏi vốn lõi khi xác định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, hạn chế việc tổ chức tín dụng và công ty con sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng khác…
Việc xây dựng thông tư trên cũng là hướng sửa đổi, bổ sung và có thể xem là để thay thế Thông tư số 13 về quy định các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đã hai năm qua, văn bản dự kiến này vẫn chưa thể ban hành.
Với tiến độ trên, cuối tháng 6/2012, tại hội nghị toàn ngành, đại diện lãnh đạo ngân hàng thương mại phát biểu cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung nói trên và ban hành thông tư mới để các ngân hàng thương mại chủ động trong các cân đối liên quan. Đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng từng dự tính chính thức ban hành thông tư này vào tháng 8/2012, song từ đó đến nay chưa có thông tin nào cho thấy sẽ sớm ban hành.
Trong khi đó, vấn đề sở hữu chéo vẫn đang phức tạp, việc xử lý vẫn “đỏ mắt” chờ các văn bản quy định bổ sung như trên.
Ngoài khung pháp lý, trong văn bản trả lời ý kiến cử tri, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp khác để xử lý tình trạng sở hữu chéo cổ phần giữa các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, cơ quan quản lý này sẽ chú trọng công tác xác minh nguồn lực tài chính của các cổ đông khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại tổ chức tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sở hữu chéo cổ phần giữa các tổ chức tín dụng, công ty con, cổ đông để xử lý các trường hợp vi phạm; phối hợp với Ủy ban Chứng khoán theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của các tổ chức tín dụng trên thị trường chứng khoán.
Nguồn Thời báo Tài chính