Ngân hàng Nhà nước chặn đà rơi tỷ giá USD/VND
Chiều nay (9/1), lần đầu tiên trong vòng một năm qua Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc “can thiệp ngược”, chặn đà rơi của tỷ giá USD/VND.
Tín hiệu vào cuộc phát đi rõ ràng và thị trường lập tức có phản ánh đồng thuận.
Cụ thể, sáng 9/1, giá USD tiếp tục giảm sâu trên các thị trường. Trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, mức giá bán ra phổ biến chỉ còn 22.560 - 22.570 VND, tức giảm tới khoảng 240 VND so với mức cao cuối 2016.
Đà rơi nhanh và sâu của tỷ giá USD/VND diễn ra chỉ ít ngày từ đầu tháng 1/2017 đến nay, và gần xoá bỏ hoàn toàn mức tăng được trong năm 2016 so với vùng 22.550 – 22.560 VND cuối năm 2015.
Trước diễn biến trên, đầu giờ chiều nay Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp chặn dưới giá mua vào. Cụ thể, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã nâng mạnh giá mua vào USD trên liên ngân hàng, từ mức 22.300 VND lên 22.575 VND, tức tăng 275 VND.
Ngay lập tức, giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vượt qua mốc này; giá USD bán ra trên biểu niêm yết ngân hàng thương mại cũng lập tức đảo chiều tăng lên 22.620 VND.
Như vậy, đây là lần thứ hai trong vòng một năm qua Ngân hàng Nhà nước phải vào cuộc “can thiệp ngược”, chặn đà rơi của tỷ giá USD/VND. Lần gần nhất là mức chặn 22.300 VND vào đầu tháng 2/2016, trước diễn biến rơi nhanh tương tự.
Có thể suy tính hai hàm ý chính của Ngân hàng Nhà nước trong sự can thiệp này.
Thứ nhất, nhà điều hành muốn hạn chế những khoảng biến động lớn của tỷ giá USD/VND, mà qua đó ảnh hưởng đến ổn định chung. Sóng tỷ giá USD/VND từ khoảng 22.320 VND lên 22.810 VND rồi xuống nhanh 22.570 VND là vùng biến động mạnh để xem xét can thiệp.
Thứ hai, sau khi gần xoá hoàn toàn mức tăng được trong năm 2016, nếu tỷ giá USD/VND tiếp tục rơi sâu, hay đồng tiền Việt Nam lên giá mạnh trong bối cảnh nhiều đồng tiền trong khu vực mất giá lớn năm qua, sẽ hạn chế năng lực cạnh tranh và hỗ trợ xuất khẩu, nên nhà điều hành phải nhanh chóng có tác động vì lợi ích chung này.
Nguồn VnEconomy