Giáo dục
Ngân hàng Nhà nước cam kết bảo vệ quyền lợi người gửi tiền
Trong khuôn khổ kì họp quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã phát biểu rằng mức chi trả tiền gửi, hiện là quá thấp (75 triệu đồng) và là cào bằng giữa các khoản tiền gửi.
Có đại biểu yêu cầu khi ngân hàng phá sản thì phải trả cả tiền gốc, lãi cho người gửi, để tránh hiệu ứng rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ dây chuyền. Nếu không trả đúng, đủ cho người dân sẽ khiến họ mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng.
Trong buổi làm việc mới đây tại Long An với Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Long An, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết: "Nói chung, chủ trương và quan điểm của Chính phủ là tái cơ cấu phải dựa trên 2 nguyên tắc. Thứ nhất là ổn định hệ thống. Thứ hai là bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền một cách hợp pháp, chính đáng".
"Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền", Phó thống đốc Đào Minh Tú khẳng định và khuyến cáo người dân nên an tâm vì tất cả người gửi tiền tại các ngân hàng từ vốn nhà nước, cổ phần đến Quỹ tín dụng nhân dân đều được đảm bảo quyền lợi chính đáng.
Về các ngân hàng không đồng, ông Tú cho rằng dù còn nhiều tồn tại, khó khăn nhưng cơ bản hoạt động của các ngân hàng này đã được kiện toàn và củng cố, thanh khoản cải thiện, giảm nguy cơ đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và rủi ro với hệ thống ngân hàng.
Riêng với Ngân hàng Xây Dựng, hiện tại, huy động vốn của ngân hàng tăng 5.000 tỷ đồng so với thời điểm khó khăn nhất. Sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép cho vay trở lại, ngân hàng đã giải ngân cho vay 2.000 tỷ đồng kể từ đầu năm 2017 tới nay. Ngoài ra, ngân hàng còn thu về 5.000 tỷ đồng nợ xấu. Người dân bày tỏ sự yên tâm khi gửi tiền tại ngân hàng này.
Nguồn Tổng hợp